Covaxin là sản phẩm của hãng dược Bharat Biotech đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận khẩn cấp vào tuần trước và đã được phép sử dụng ở 17 quốc gia. Cơ quan Y tế của Liên hợp quốc đã mô tả nó là "cực kỳ phù hợp với các nước có thu nhập thấp và trung bình, do yêu cầu bảo quản dễ dàng". Một số vaccine đã được phê duyệt khác phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, điều này gây ra nhiều vấn đề về chi phí bảo dưỡng và vận chuyển.
Báo cáo cho biết "các thử nghiệm cho thấy Covaxin có hiệu quả cao đối với bệnh nhân có triệu chứng COVID-19". Nó cũng "dung nạp tốt mà không có biểu hiện lo ngại về an toàn", đó là kết luận được nêu sau các đợt thử nghiệm này. Theo WHO, vaccine do Ấn Độ sản xuất có tỷ lệ hiệu quả là 78% sau hai liều trong một tháng.
Như vậy Covaxin đã chính thức được WHO đưa vào danh sách các vaccine được phép sản xuất và sử dụng chống COVID-19, cùng với các vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac sản xuất.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc Li Jingxin Li và Zhu Fengcai, tuy không tham gia vào việc nghiên cứu loại vaccine này cho rằng Covaxin có thể "tăng năng lực sản xuất toàn cầu đang rất hạn chế và cải thiện nguồn cung vaccine vốn không đủ, khiến cho việc phân chia không đồng đều, ảnh hưởng đến các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình".
Tuy nhiên, họ đã đề cập đến những hạn chế nhất định đối với nghiên cứu, khi cho rằng các thử nghiệm chỉ được tiến hành ở Ấn Độ, nên chưa có nhiều sự đa dạng về nghiên cứu nhóm sắc tộc. Ngoài ra, các nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, trước khi biến thể Delta dễ lây lan hơn trở nên phổ biến. Nhưng mặc dù thời gian thử nghiệm ngắn, các nhà nghiên cứu có liên quan vẫn xác định Covaxine có tác dụng đối với bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta. Dẫn kết quả nghiên cứu, họ cho rằng tuy kém hiệu quả hơn một chút, Covaxin vẫn cung cấp khả năng bảo vệ chống lại COVID-19.