Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine nghiêm trọng giữa làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Dù là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhưng tốc độ tiêm chủng tại Ấn Độ đang bị chậm lại với trung bình 1,6 triệu người được tiêm mỗi ngày, so với mức 3,6 triệu người mỗi ngày hồi tháng 4, trong tổng dân số gần 1,4 tỷ người. Theo kế hoạch, nhà máy ở bang miền Tây Gujarat sẽ là nơi sản xuất số liều vaccine Covaxin bổ sung nói trên, đưa tổng sản lượng của nhà máy này lên 1 tỷ liều/năm.
Vaccine của hãng AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất, và vaccine Sputnik V của Nga là hai loại hiện đang được sử dụng ở Ấn Độ.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 276.110 ca nhiễm mới, tăng nhẹ hơn ngày 20/5 nhưng thấp hơn nhiều mức 400.000 ca hồi đầu tháng này. Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ hiện lên tới 25,77 triệu ca, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong khi đó, số ca nhiễm trùng phổi do nấm gây ra gia tăng mạnh khiến việc điều trị càng phức tạp hơn. Căn bệnh được gọi là "nấm đen" này làm đen hoặc đổi màu mũi, làm giảm thị giác, gây đau tức ngực, khó thở và ho ra máu. Bệnh này là thách thức mới đối với bệnh nhân COVID-19 khi điều trị bằng steroid và những người đang mắc bệnh tiểu đường. Các bác sĩ cho rằng việc dùng thuốc steroid để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nặng có thể gây ra các vấn đề trên. Bộ Y tế Ấn Độ ngày 20/5 đề nghị chính quyền các bang tuyên bố đây là "bệnh phải khai báo" theo Luật Dịch bệnh.