Vaccine COVID-19 hàng đầu của Trung Quốc gặp ‘biến cố bất lợi nghiêm trọng'

Thử nghiệm lâm sàng tại Brazil đối với ứng viên vaccine hàng của Trung Quốc đã buộc phải ngưng lại sau một “biến cố bất lợi nghiêm trọng”, tờ Bloomberg đưa tin.

Chú thích ảnh
Mẫu vaccine Coronavac do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Getty Images

Đây là lần đầu tiên một loại vaccine do Trung Quốc nghiên cứu, phát triển đối diện với một bước thụt lùi. Cụ thể, Bộ Y tế Brazil ngày 10/11 cho biết giới chức nước này đã quyết định ngừng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vaccine ngừa COVID-19 có tên Coronavac do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển, sau biến cố xảy ra hôm 29/10. 

Bộ này không cung cấp thông tin chi tiết, chỉ nói rằng việc nghiên cứu bị trì hoãn theo quy định, để cơ quan chức năng có thêm thời gian phân tích, đánh giá xem có tiếp tục tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Coronavac tại Brazil hay không. 

Viện nghiên cứu Butantan tại Sao Paulo, đối tác tham gia dự án với Sinovac để sản xuất vaccine trong nội địa Brazil, cho biết đơn vị này bất ngờ với quyết định của chính quyền và đang tìm kiếm thông tin chi tiết về diễn biến này. Về phần mình, đại diện của Sinovac từ chối đưa ra câu trả lời khi được đề nghị cho biết quan điểm. 

Trong y khoa, khái niệm “biến cố bất lợi nghiêm trọng” thường được dùng để chỉ những diễn biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm lâm sàng với vaccine, thuốc, có thể nằm trong các cấp độ gây chết người, đe dọa tính mạng tức thời hoặc những tác động nghiêm trọng trong dài hạn, hay buộc tình nguyện viên tham gia thử nghiệm phải nhập viện để điều trị. 

Việc ngưng thử nghiệm dạng này không phải hiếm trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Hai công ty dược hàng đầu của phương Tây là AstraZeneca Plc và Johnson & Johnson mới đây cũng phải dừng thử nghiệm hai mẫu vaccine sau những “biến cố bất lợi nghiêm trọng”. Hai công ty này cũng chỉ mới nối lại thử nghiệm lâm sàng sau khi kết thúc các cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân. 

Trước đó, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với một số mẫu vaccine, trong đó có Coronavac. Hàng chục nghìn người tại Trung Quốc sau đó cũng đã được tiêm ngừa vaccine trị COVID-19. 

Ngược lại bước lùi với Sinovac Biotech, hai công ty Pfizer và BioNTech ngày 10/11 công bố kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine liên danh này nghiên cứu, phát triển có hiệu quả ở tỉ lệ 90% trong ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên những tình nguyện viên. 

Trước đó, ngày 3/11, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia (Anvisa) Brazil thông báo đã cho phép nối lại các hoạt động thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do Phòng thí nghiệm Janssen-Cilag thuộc tập đoàn Johnson&Johnson của Mỹ bào chế.

Anvisa cho biết đã đánh giá thông tin từ Ủy ban An toàn dược phẩm, cũng như dữ liệu từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ, qua đó kết luận rằng các cuộc thử nghiệm vaccine do Johnson&Johnson bào chế sẽ được tiếp tục dựa trên lợi ích của loại thuốc giúp ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, Brazil đã đình chỉ các hoạt động thử nghiệm loại vaccine có tên Ad26.COV2-S từ ngày 12/10, sau khi một tình nguyện viên ở Mỹ xuất hiện vấn đề về sức khỏe không rõ nguyên nhân trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Cho đến thời điểm đó, tổng cộng 12 tình nguyện viên từ bang Rio de Janeiro, đã tham gia thử nghiệm giai đoạn ba của loại vaccine trên.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Mỹ có thể phân phối vaccine phòng COVID-19 trước cuối năm nay
Mỹ có thể phân phối vaccine phòng COVID-19 trước cuối năm nay

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, ngày 9/11 cho biết Mỹ có thể phân phối vaccine phòng COVID-19 cho người dân trước cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN