Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ cũng tiếp nhận chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Bern và không ngừng nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế Thụy Sỹ - ASEAN.
Theo Đại sứ Lê Linh Lan, Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Bern, cho biết Việt Nam nhận chuyển giao từ Malaysia chức Chủ tịch luân phiên của Ủy ban ASEAN Bern (ACB) ngày 2/7 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thụy Sĩ.
Hầu hết các hoạt động dự kiến trong kế hoạch của ACB nhiệm kỳ Chủ tịch Malaysia nửa đầu năm 2020 đã bị hủy, hoãn hoặc dời sang nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam do dịch bệnh bùng phát mạnh lên đỉnh điểm vào tháng 3/2020, Thụy Sĩ tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp và áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội nghiêm ngặt cho đến tháng 5/2020.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực theo đúng Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 ‘Gắn kết và Chủ động thích ứng", Đại sứ quán tại Bern đã sớm nỗ lực khắc phục khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chủ động thu xếp và xây dựng kế hoạch hoạt động, tập trung vào một số ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch nửa cuối năm 2020.
Với tinh thần tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đồng thời với mục tiêu gắn Nhiệm kỳ Chủ tịch ACB với Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nhằm tạo giá trị cộng hưởng, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy các hoạt động chung trong ACB cũng như các hoạt động giữa ACB với Thụy Sĩ; thường xuyên chia sẻ thông tin về các hoạt động của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch tới ACB và các bạn Thụy Sĩ trong những cuộc gặp trực tiếp cũng như trao đổi trực tuyến.
Cũng theo Đại sứ Lê Linh Lan, kể từ khi Việt Nam nhận chức Chủ tịch, tình hình dịch bệnh tại Thụy Sĩ không suy giảm và diễn biến ngày càng phức tạp, một mặt hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, và mặt khác hướng ưu tiên của phía Thụy Sĩ vào các hoạt động liên quan tới chống dịch. Ngày 29/10, để ứng phó với làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, Chính quyền liên bang đã công bố một loạt biện pháp mới như hạn chế số lượng người tại một hoạt động, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, ảnh hưởng tới việc tổ chức các hoạt động trực tiếp của ACB cũng như giữa ACB với Thụy Sĩ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc triển khai các ưu tiên đối ngoại của Thụy Sĩ cũng hạn chế đáng kể, các ưu tiên đối ngoại của Bộ Ngoại giao cũng như Quốc hội hướng sang các hoạt động trực tuyến, và tập trung vào một số trọng tâm liên quan tới dịch bệnh, kỷ niệm quan hệ với các đối tác Liên minh châu Âu (EU), bảo hộ công dân, ngoại giao số, viện trợ nước ngoài và hỗ trợ nhân đạo, trung gian hòa giải, đặc biệt là việc Thụy Sĩ ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024. Một số nước ACB cũng có những ưu tiên riêng trong thời kỳ dịch bệnh, một số Đại sứ hết và sắp kết thúc nhiệm kỳ. Trong bối cảnh đó, những hoạt động dự kiến trong năm nay của ACB dự kiến sẽ phải chuyển sang đầu 2021 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Để khắc phục những khó khăn này, trước mắt Đại sứ quán Việt Nam tại Bern đang nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng và đường truyền internet, chuẩn bị chủ trì tổ chức các hoạt động ACB bằng hình thức trực tuyến.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ngày 10/11 đã có buổi đối thoại trực tuyến dưới hình thức Ba bên (troika) mở rộng với Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ.
Trọng tâm thảo luận tại cuộc Đối thoại là hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin nhấn mạnh Thụy Sỹ luôn theo đuổi việc mở cửa thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các vấn đề cùng quan tâm khác được thảo luận là số hóa nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển du lịch bền vững và xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách thương mại tự do. Bên cạnh hợp tác đa phương, Thụy Sỹ rất chú trọng thúc đẩy đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN - một trọng tâm trong chính sách kinh tế đối ngoại của Thụy Sỹ.
Nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương, Thụy Sĩ cùng các nước Iceland, Liechtenstein và Na Uy trong Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Singapore, Philippines, Indonesia, đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, Malaysia và dự kiến sẽ sớm nối lại đàm phán với Thái Lan. Mạng lưới các hiệp định bảo hộ đầu tư của Thụy Sĩ phủ khắp tất cả các nước ASEAN trừ Myanmar. Bộ trưởng Kinh tế Guy Parmelin thay mặt khối EFTA đã đề xuất việc tăng cường và chính thức hóa quan hệ với ASEAN bằng việc ký tuyên bố hợp tác giữa hai khối.
Thụy Sĩ trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN tháng 7/2016 và mong muốn hợp tác với ASEAN trên cả ba trụ cột: chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Ủy ban ASEAN tại Bern nói chung và Đại sứ quan Việt Nam nói riêng luôn phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Liên bang nhằm phối hợp thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Thụy Sĩ nói chung và các mối quan hệ song phương nói riêng.
Hằng năm, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, Thụy Sĩ hỗ trợ hơn 100 triệu USD cho các dự án hợp tác phát triển với các nước ASEAN. Myanmar và khu vực Mekong là đối tượng ưu tiên trong các chương trình, dự án hợp tác của Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC), Việt Nam và Indonesia là hai nước ưu tiên trong các chương trình, dự án hợp tác của Ủy ban Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO).
Thụy Sĩ cũng có cơ chế đối thoại và trao đổi chuyến thăm thường xuyên với các nước ASEAN. Tháng 7/2019, Bộ trưởng Guy Parmelin đã có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên với tư cách Bộ trưởng Kinh tế cùng một phái đoàn gồm đông đảo đại diện doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, giáo dục Thụy Sỹ. Thụy Sĩ cũng đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thăm làm việc. Nhìn chung, Thụy Sĩ ngày càng coi trọng vị trí của ASEAN trong chính sách hợp tác kinh tế và Ủy ban ASEAN tại Bern luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế Thụy Sĩ - ASEAN. Thụy Sỹ đánh giá khối ASEAN là một không gian kinh tế ngày càng có tầm quan trọng trên thế giới và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.