Kết quả kiểm phiếu từ 34 tỉnh và 130 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài (PPLN) cho biết, cặp ứng cử viên thứ nhất là Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và Ma'ruf Amin đã nhận được 55,50%, trong khi cặp thứ hai là liên minh giữa cựu Tướng quân đội Prabowo Subianto và Sandiaga nhận được 44,5% số phiếu. Số lượng cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp là 199.979.320 cử tri, trong khi số phiếu bầu hợp pháp là 139.971.260 phiếu.
Sau khi kết quả tính toán bầu cử được công bố, KPU đã mời tất cả đại diện các bên tham gia cuộc bầu cử ký vào biên bản. Tuy nhiên, đại diện cho cặp tranh cử số hai (Prabowo-Sandiaga) và các đảng PKS, Berkarya, Gerindra và đảng PAN đã từ chối ký vào biên bản xác định kết quả kiểm phiếu.
Mặc dù kết quả kiểm phiếu cuối cũng đã được đưa ra, tuy nhiên, theo Luật bầu cử Indonesia, tuyên bố chính thức về người thắng cuộc sẽ chỉ được KPU đưa ra khi không có khiếu kiện được chấp nhận tại tòa án hiến pháp và thời hạn tuyên bố được ấn định là từ ngày 24-28/5.
Trong một diễn biến mới nhất, đại diện nhóm tranh cử của ứng cử viên Prabowo Subianto cho biết ứng cử viên này sẽ chính thức phản đối kết quả bầu cử lên Tòa án Hiến pháp Indonesia. Năm 2014, ông Prabowo cũng khiếu kiện kết quả bầu cử tổng thống lên tòa án hiến pháp, song đã bị tòa bác bỏ.
Hiện nhà chức trách Indonesia đã thắt chặt an ninh và đã bắt giữ hàng chục đối tượng bị tình nghi lên kế hoạch tấn công để tạo ra tình trạng hỗn loạn trong các cuộc biểu tình vào thời điểm này. Cảnh sát quốc gia cũng đã giữ ít nhất ba nhân vật đối lập hàng đầu vì nghi ngờ phản quốc. Dây thép gai, các xe tải bọc thép và xe chở bồn nước cùng hàng nghìn nhân viên an ninh đã được bố trí xung quanh KPU và khu vực lân cận.
Trong tuần trước, cảnh sát cũng đã bắt giữ khoảng 30 đối tượng thuộc các nhóm Hồi giáo bị nghi ngờ có quan hệ với Ansharut Daulah (JAD), nhóm lớn nhất của Indonesia có liên quan đến tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng.