Ứng cử viên chủ trương cải cách triệt để gây bất ngờ bầu cử Pháp

Dư luận Pháp đang tìm hiểu chương trình tranh cử của cựu Thủ tướng François Fillon cùng những lý do khiến ông làm nên bất ngờ ngoài các dự đoán với chiến thắng áp đảo (44,1% ủng hộ) tại vòng một cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu được tổ chức vào ngày 20/11.

Cựu Thủ tướng Pháp François Fillon sau cuộc bầu cử sơ bộ vòng một tại Paris ngày 20/11. Ảnh: AP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ứng cử viên François Fillon là người đã có kinh nghiệm chính trường khi ông từng giữ chức Thủ tướng trong 5 năm liền dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012). Sự nghiệp chính trị của ông được đánh dấu bằng việc liên tục là nghị sĩ Quốc hội trong giai đoạn 1981-2007 và từng đảm nhiệm nhiều lần chức vụ Bộ trưởng trong nhiều chính phủ kế tiếp nhau: Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu (1993-1995), Bộ trưởng Thông tin và Công nghệ (1995), Bộ trưởng đặc trách về Bưu điện và Viễn thông (1995-1997).

Sau khi Tổng thống Jacques Chirac tái đắc cử nhiệm kỳ hai, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ các vấn đề xã hội và lao động (2002-2004), Bộ trưởng Giáo dục (2004-2005). Sau khi ông Sarkozy đắc cử Tổng thống tại cuộc bầu cử năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng và đảm nhiệm chức vụ này trong suốt nhiệm kỳ của ông Sarkozy. Sau thất bại của Tổng thống Sarkozy năm 2012, ngay từ năm 2013, ông tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống tại cuộc bầu cử năm 2017 và chính thức công bố ra tranh cử vào tháng 4/2015.

Ông Fillon tự nhận mình là ứng cử viên của các "cải cách triệt để", nhằm "đoạn tuyệt" với chính sách của chính quyền đương nhiệm của Tổng thống François Hollande. Chương trình tranh cử của ông đề ra mục tiêu tham vọng là tiết kiệm một khoản ngân sách 110 tỷ euro trong vòng 5 năm, tinh giản 500.000 vị trí trong bộ máy nhà nước; xóa bỏ chương trình làm việc 35 giờ/tuần, đưa lên 39 giờ trong các cơ quan công quyền và có thể lên đến tối đa là 48 giờ trong khu vực tư nhân; nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi, điều chỉnh lương hưu sao cho không có sự chênh lệch lớn giữa các đối tượng làm việc trong các khu vực nhà nước và tư nhân; thiết lập một chế độ trợ cấp xã hội duy nhất trong đó có ấn định mức trần.

Theo giới phân tích, làn sóng ủng hộ ông Fillon là các cử tri mang quan điểm cánh hữu truyền thống, những người có học vấn khá cao trong xã hội Pháp và muốn cải cách triệt để. Chương trình tranh cử của ông được đánh giá là cởi mở về phát triển kinh tế, bảo thủ về các vấn đề xã hội, đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm thích ứng mô hình xã hội Pháp với quá trình toàn cầu hóa.

Tại vòng sơ bộ cánh hữu lần hai, ông sẽ đối mặt với chính trị gia lão làng là Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé, người luôn dẫn trước trong các cuộc thăm dò, tuy nhiên chỉ nhận được 28,6% số phiếu vào đêm ngày 20/11. Hiện tại, những người ủng hộ ông Juppé đang chỉ trích chương trình tranh cử của cựu Thủ tướng Fillon là khó có thể thực hiện được trên thực tế.

Mặc dù vậy, dư luận Pháp cho rằng, do khoảng cách khác biệt khá xa, cộng thêm sự ủng hộ của các ứng cử viên thua cuộc là các ông Sarkozy và Bruno Le Maire và cùng với đó là lá phiếu của các cử tri ủng hộ các ứng cử viên này, ông Juppé đang ở trong một tình thế hết sức bất lợi để có thể chiến thắng ở vòng hai cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu diễn ra ngày 27/11 nhằm chọn ra ứng cử viên chính thức của cánh hữu ra tranh cử tổng thống vào năm sau.

TTXVN/Tin Tức
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị loại ở vòng một bỏ phiếu sơ bộ
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị loại ở vòng một bỏ phiếu sơ bộ

Với 21% số phiếu tại cuộc bầu cử sơ bộ phe cánh hữu và trung hữu vòng một được tổ chức vào ngày 20/11 để chọn ứng cử viên xứng đáng cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN