Quang cảnh thành phố Daraa bị tàn phá do xung đột tại Syria. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong báo cáo vừa công bố ngày 20/2, UNDP nhấn mạnh Syria sẽ mắc kẹt trong tình trạng khó khăn, bất ổn kéo dài và nền kinh tế sẽ không thể phục hồi về mức trước xung đột cho đến năm 2080 nếu như tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức như hiện nay. Vì vậy, nước này cần phải nhanh chóng khôi phục nền kinh tế để đảo ngược những mất mát do xung đột kéo dài 14 năm qua.
Báo cáo phân tích chi tiết về thực trạng kinh tế-xã hội của Syria và đưa ra một lộ trình tái thiết cho nước này. Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đã giảm 50% kể từ khi xung đột nổ ra năm 2011, gây thiệt hại 800 tỷ USD trong 14 năm qua. Tỷ lệ nghèo đói tăng vọt lên mức báo động, từ 33% trước xung đột lên 90% hiện nay. Hiện có tới 75% dân số Syria phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo và cần được hỗ trợ khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, lương thực và nhà ở. Ngoài ra, Syria cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, với 25% dân số trong độ tuổi lao động không có việc làm.
Báo cáo còn chỉ ra rằng thiệt hại về cơ sở hạ tầng là một trong những trở ngại chính đối với công cuộc tái thiết Syria. Gần 50% số trường học bị đóng cửa, hơn 33% nhà ở bị phá hủy, gần 50% số nhà máy xử lý nước và hệ thống nước thải không còn hoạt động. Sản lượng sản xuất năng lượng của Syria giảm tới 80% do các nhà máy phát điện và hệ thống truyền tải bị hư hại nặng. Những tổn thất này làm trầm trọng thêm mức độ nghèo đói và gây khó khăn cho nỗ lực tái thiết đất nước.
Báo cáo cũng nêu bật tổn thất nặng nề về nhân mạng do xung đột, với gần 618.000 người Syria đã thiệt mạng và 113.000 người khác mất tích. Sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở nước này. Lĩnh vực giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi có tới 40-50% số trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 không thể đến trường. Nhiều nhà cửa bị phá hủy khiến 5,7 triệu người cần hỗ trợ nơi trú ẩn. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm các nhà máy xử lý nước, hệ thống nước thải và các nhà máy điện, đã bị hư hại nghiêm trọng, khiến hàng triệu người không thể tiếp cận với nước sạch và nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
UNDP nhận định triển vọng kinh tế của Syria khá ảm đạm nhưng vẫn có thể hy vọng về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nếu các chiến lược đúng đắn được thực hiện. UNDP kêu gọi Syria thúc đẩy một cách tiếp cận đầy tham vọng trong phát triển kinh tế, vì cần phải đạt tốc độ tăng trưởng tăng gấp 6 lần nếu muốn khôi phục nền kinh tế trong vòng một thập kỷ. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm chỉ 1,3% hiện nay, Syria sẽ mất hơn 50 năm để khôi phục GDP về mức trước xung đột. Vì thế, nước này cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng 5%/năm để có thể phục hồi kinh tế trong vòng 15 năm.
Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner cho rằng các yêu cầu cho tiến trình tái thiết và khôi phục kinh tế của Syria đã vượt ra ngoài nhu cầu về viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Khôi phục việc làm, giảm nghèo, hồi sinh ngành nông nghiệp và xây dựng lại cơ sở hạ tầng cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục và năng lượng là chìa khóa để đưa Syria thoát khỏi tình trạng hiện nay và hướng tới một tươi lai hòa bình, thịnh vượng.
Ông Abdallah Al-Dardari, Giám đốc Văn phòng Khu vực Arab của UNDP, nhấn mạnh cần phải thúc đẩy cải cách toàn diện tại Syria cả về quản trị, kinh tế, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, chiến lược cải cách đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đầu tư cũng như năng lực quản lý các khoản đầu tư đó.