Ukraine và Đức căng thẳng vì vấn đề viện trợ xe tăng Leopard

Mối quan hệ của Ukraine với Đức đã trở nên tồi tệ trong tuần này, khi Ukraine đặt câu hỏi tại sao Đức không thực hiện lời hứa cung cấp vũ khí hạng nặng, cụ thể là xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder.

Sức ép với Đức

Chú thích ảnh
Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNBC ngày 16/9, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba công khai chất vấn Đức trên Twitter: “Những tín hiệu đáng thất vọng từ Đức trong khi Ukraine cần Leopard và Marder ngay bây giờ”. Ông Kuleba nói rằng không có lập luận hợp lý nào giải thích lý do tại sao Đức không thể cung cấp những vũ khí này ngoài nỗi sợ hãi và những cái cớ. Ông nói: “Berlin sợ điều gì mà Kiev không sợ?”

Marder là xe chiến đấu bộ binh của Đức, được sử dụng cùng xe tăng chiến đấu Leopard trên chiến trường.

Bình luận của ông Kuleba xuất hiện khi Ukraine tiến hành cuộc phản công nhằm vào các lực lượng Nga ở cả phía nam và đông bắc Ukraine.

Ukraine chủ yếu dựa vào các hệ thống vũ khí của phương Tây để chống lực lượng Nga. Các đồng minh của Ukraine ở phương Tây đều đã gửi cho Ukraine một lượng lớn vũ khí.

Hồi tháng 4, Đức đã hứa sẽ cung cấp xe tăng Leopard và Marder cho Ukraine. Thay vì viện trợ trực tiếp, Đức đã đề xuất kế hoạch hoán đổi. Theo đó, các thành viên NATO, như Ba Lan hoặc Slovakia, có thể gửi cho Ukraine những chiếc xe tăng cũ hơn từ thời Liên Xô (như Leopard 1), sau đó Đức sẽ gửi cho họ vũ khí hiện đại hơn (chẳng hạn như Leopard 2).

Đức nói rằng đề xuất hoán đổi trên là do lực lượng Ukraine đã quen với vũ khí từ thời Liên Xô và Đức chỉ nên cung cấp vũ khí mà Ukraine biết cách sử dụng.

Vấn đề duy nhất của kế hoạch hoán đổi nói trên là quá trình trao đổi phần lớn đã không thành hiện thực và Đức đang bị chỉ trích mạnh mẽ cả ở trong lẫn ngoài nước.

Chú thích ảnh
Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Ukraine cần thêm vũ khí khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quan trọng. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã kêu gọi các đồng minh quốc tế tiếp tục gửi vũ khí, nói rằng đây là lúc nước này cần vũ khí nhất để duy trì động lực.

Đó là những vũ khí như xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder mà Ukraine cho rằng có thể thay đổi cán cân cuộc xung đột với Nga.

Trong số các đồng minh NATO của Ukraine, Đức đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích và thậm chí là chế giễu vì vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ngay trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Đức bị chế nhạo vì ý định gửi hàng nghìn mũ bảo hiểm đến Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng sau Mỹ và Anh, Đức là một trong những nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine.

Cho tới nay, Đức đã giao cho Ukraine một số pháo phòng không tự hành Gepard SPAAG, tên lửa đất đối không di động (MANPADS), lựu pháo và vũ khí chống tăng, cũng như hàng trăm phương tiện, hàng triệu viên đạn. Chính phủ Đức cũng đã công bố danh sách các thiết bị quân sự mà họ đã gửi tới Ukraine.

Nhưng khi nói đến xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, Đức không có quyết định về việc này bất chấp các yêu cầu cụ thể từ ông Kuleba và các quan chức Ukraine khác kể từ tháng 3. Các nhà phân tích cho rằng ý định tốt của Đức đã không thành hiện thực.

Đức nói gì?

Áp lực đang gia tăng lên Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Tuy nhiên, ngày 12/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết việc gửi thêm vũ khí hạng nặng tới Ukraine không đơn giản như vậy. Bà nói rằng Đức không thể khiến khả năng phòng thủ của mình gặp rủi ro vì cho đi mọi thứ.

Chú thích ảnh
Một chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard 2 A7V của Đức. Ảnh: Getty Images

Dù vậy, Thủ tướng Scholz đã nói với các phóng viên: “Có thể nói rằng chính những vũ khí mà Đức cung cấp cho Ukraine hiện nay là yếu tố quyết định tới diễn biến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và chúng cũng đã tạo nên khác biệt”.

Tâm lý do dự của Đức đã khiến nhiều chuyên gia tìm cách lý giải. Ông Rafael Loss, chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết bản thân Chính phủ Đức đã giải thích lý do tại sao không làm như vậy. Một trong số đó là quan ngại về khả năng leo thang, rằng Nga có thể coi việc chuyển giao những vũ khí như vậy là một lằn ranh đỏ nào đó.

Theo ông Loss, tới một lúc nào đó, Ukraine và các quốc gia viện trợ vũ khí sẽ cạn kiệt vũ khí và không thể thay thế một cách dễ dàng. Vì vậy, tại một thời điểm nào đó, cần bắt đầu suy nghĩ về các chuỗi cung ứng vũ khí của phương Tây dựa trên hệ thống phương Tây.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Ông Loss cho rằng Đức không muốn đơn phương gửi vũ khí mà muốn có một liên minh ở châu Âu để viện trợ vũ khí cho Ukraine. Theo ông, Đức dường như muốn Mỹ dẫn đầu và đi theo sau.

Theo bà Anna-Carina Hamker, một nhà nghiên cứu châu Âu tại công ty phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group, mặc dù áp lực đang gia tăng đối với Đức, nhưng lập trường của Đức khó có thể sớm thay đổi. Các bên ở Đức có thể sẽ tiếp tục tranh cãi về chính sách đối với Ukraine.

Bà cho biết: “Khó có khả năng Chính phủ Đức sẽ điều chỉnh lớn đối với chính sách Ukraine và liên minh cầm quyền ở Đức sẽ không tăng cường đáng kể giao vũ khí”.

Do đó, Ukraine sẽ vẫn phải chờ đợi trong tâm trạng tức giận và thất vọng vì quan điểm của Đức.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quân đội Đức sẽ trở thành lực lượng tấn công trang bị tốt nhất châu Âu
Quân đội Đức sẽ trở thành lực lượng tấn công trang bị tốt nhất châu Âu

Đức sẵn sàng lãnh vai trò đứng đầu đảm bảo an ninh cho châu Âu - Thủ tướng Scholz tuyên bố và cam kết đưa quân đội Đức thành lực lượng trang bị tốt nhất châu lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN