Theo kênh CNN, thông tin trên do một quan chức Ukraine đưa ra ngày 9/8. Quan chức này cho biết báo cáo đã được chuyển đến Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có thông tin về số lượng đạn đã được sử dụng và số mục tiêu Nga bị tiêu diệt. Tuy nhiên, quan chức này từ chối cung cấp các số liệu trong báo cáo.
Mỹ đã yêu cầu Ukraine phải làm báo cáo trên theo thỏa thuận gửi đạn pháo có bom chùm (DPICM) cho nước này. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết ông đang lên kế hoạch nộp bản báo cáo cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Các quan chức Ukraine hy vọng DPICM sẽ hiệu quả hơn các loại đạn pháo bình thường, đặc biệt là trong đối phó với các nhóm binh sĩ lớn và thiết bị của Nga. Tháng trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby nói bom chùm có tác động đến đội hình phòng thủ và cơ động của Nga.
Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số hơn 100 quốc gia ký kết Công ước về bom, đạn chùm, theo đó cấm sản xuất và sử dụng bom chùm.
Trước đó, ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga bảo lưu quyền sử dụng bom chùm để đáp trả việc Ukraine sử dụng loại vũ khí này. Phát biểu trên kênh truyền hình Russia-1, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga hoàn toàn có quyền đáp trả các hành động sử dụng bom chùm chống lại nước này.
Liên quan việc Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ quyết định này tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đã lên tiếng phản đối Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.