Theo thông báo ngày 6/8 của Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), 4 quả bom chùm 155mm đã được bắn vào trung tâm thành phố, gây ra hỏa hoạn ở ba quận.
Các quả bom chùm được cho là đã phát nổ trên không. Đại học Kinh tế và Thương mại Donetsk đã bốc cháy sau vụ pháo kích, trong khi Thị trưởng Donetsk Alexei Kulemzin cho hỏa hoạn cũng được báo cáo tại một số tòa nhà chung cư.
Cuộc pháo kích diễn ra sau khi ít nhất 3 người thiệt mạng và 10 người bị thương do một cuộc bắn phá của Ukraine hôm đầu tuần. Một vụ pháo kích khác cũng đã sát hại một thường dân khác ở một thị trấn gần đó, JCCC cho biết.
Ukraine bắt đầu sử dụng bom, đạn chùm sau khi nhận được loại vũ khí gây tranh cãi này từ Mỹ hồi giữa tháng 7. Mỹ cho biết quyết định cung cấp bom chùm là do Ukraine không còn nhiều đạn pháo tiêu chuẩn. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, việc cung cấp bom chùm chỉ mang tính tạm thời.
Washington thừa nhận rằng họ nhận thức được nguy cơ gia tăng do bom, đạn chùm gây ra cho dân thường, nhưng tuyên bố rằng Kiev đã cam kết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và tránh xa các khu vực đông dân cư, đồng thời sẽ theo dõi việc sử dụng bom chùm để thực hiện rà phá bom mìn sau này.
Bom, đạn chùm đã bị hơn 100 quốc gia cấm vì tác động tàn phá của chúng đối với dân thường. Đạn chùm thường được thiết kế để nổ giữa không trung và giải phóng hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm quả đạn phụ có thể gây sát thương trong một khu vực rộng lớn.
Khi Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, Nga đã từng tuyên bố rằng hành động này chỉ nhằm kéo dài cuộc xung đột. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết nước này có bom chùm hiệu quả hơn nhiều so với của Mỹ, phạm vi tấn công rộng hơn và đa dạng hơn, đồng thời cảnh báo lực lượng vũ trang Nga có thể sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương đương để chống lại lực lượng Ukraine, như một cách đáp trả.
Ông Shoigu cho biết cũng giống như Mỹ và Ukraine, Nga không phải là một bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm. Tuy nhiên, Nga đã hạn chế sử dụng kho vũ khí này của mình trong cuộc xung đột hiện tại, nhận thức được mối đe dọa mà loại vũ khí đó gây ra cho dân thường.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng phản đối Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. Động thái này làm dấy lên làn sóng chỉ trích cả trong nước Mỹ và trên thế giới.