Ukraine đang chào mời các công ty Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tham gia vào dự án hiện đại hóa hệ thống đường ống dẫn khí đốt của nước này, và sẵn sàng dành cho các nhà đầu tư nước ngoài 49% cổ phần để đổi lại các khoản đầu tư lớn.
Giới lãnh đạo Ukraine mong muốn hiện đại hóa hệ thống đường ống dẫn khí đốt đã lạc hậu của nước này bằng sự hỗ trợ tài chính của Mỹ và EU. Các chuyên gia cho rằng nếu một liên doanh quốc tế như vậy được thành lập thì dự án “Dòng chảy phương Nam” của Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi khi đó Ukraine sẽ là quốc gia đóng vai trò trung chuyển không thể bỏ qua. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là giả thuyết vì hiện lời mời gọi của Kiev vẫn chưa nhận được bất cứ sự bảo đảm đầu tư nào từ bên ngoài.
Trạm khí đốt Uzhgorod ở phía tây Ukraine.Ảnh: AFP/TTXVN |
Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh có tin đồn cho rằng thời gian tới, Nga sẽ bỏ hẳn hoạt động trung chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine. Theo các nhà phân tích kinh tế, nếu một liên doanh khí đốt quốc tế được thành lập thì sẽ tạo ra những điều kiện mới đối với hoạt động trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là việc tiếp tục triển khai xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” mà Nga đang hết sức kỳ vọng.
Theo kế hoạch, sau khi được hiện đại hóa, hệ thống đường ống của Ukraine sẽ có công suất trung chuyển tương đương với công suất thiết kế của “Dòng chảy phương Nam”, tức là khoảng 140 tỷ m3 khí/năm.
Vì vậy, quyết định của Kiev và những bước đi tiếp theo của Mỹ và EU sẽ quyết định việc Điện Kremlin sẽ bật champagne uống mừng hay phải trải qua những cơn đau đầu mới. Chỉ biết rằng Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức có phản ứng khi đại diện bộ này là ông Alexandr Lukashevich ngày 19/5 tuyên bố số phận của hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine sẽ không thể được định đoạt nếu thiếu sự tham gia của Nga, bởi nếu không có nguồn năng lượng xanh của Nga rót vào thì hệ thống này dù có hiện đại đến mấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Đáp lại, Ủy viên châu Âu phụ trách về năng lượng nhấn mạnh EU không chống “Dòng chảy phương Nam” song việc xây dựng hệ thống này phải phù hợp với các thỏa thuận giữa các thành viên của EU là không được vi phạm các luật của thị trường nội khối, luật chống độc quyền của EU và không đe dọa gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, phía Nga lại nhìn nhận tình hình theo một góc độ khác. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak cho rằng EU đã gây áp lực lên một số đối tác tham gia dự án với Nga và việc đưa ra các yêu cầu về mặt luật pháp chỉ là để ngụy biện. Trên thực tế, Bungaria và một số quốc gia khác đã nhận được lời đe dọa sẽ bị “khóa van” tài chính, nếu tiếp tục thực hiện dự án với Nga theo kế hoạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cho rằng ý đồ của Kiev tạo mối đe dọa đối với dự án “Dòng chảy phương Nam” của Nga là rất khó trở thành hiện thực. Thứ nhất, hệ thống đường ống dẫn của Ukraine hiện vẫn chưa được sử dụng hết công suất sẵn có, nghĩa là nhu cầu nâng cấp là hoàn toàn không cấp thiết. Thứ hai, các nhà đầu tư Mỹ và EU rất khó dốc hầu bao bởi các khoản đầu tư vào Ukraine, trong bối cảnh hiện nay không bảo đảm khả năng thu hồi vốn.
Nhóm nghiên cứu Sberbank Investments Research cho rằng một liên doanh quốc tế sẽ không thể trở thành hiện thực nếu Ukraine vẫn muốn giữ lại 51% cổ phần đa số. Hơn nữa, EU dù sao cũng không muốn làm xấu đi quan hệ với Gazprom, nhất là khi tập đoàn này vừa tìm được lối thoát bằng hợp đồng trị giá hơn 400 tỷ USD với Trung Quốc. Vì vậy, sự quay lưng của Nga sẽ khiến dự án này có thể chỉ là một tham vọng trên giấy. Bên cạnh đó, ngay cả khi Nga không cản trở thì EU cũng rất khó bỏ một lượng tiền lớn vào nền kinh tế Ukraine vốn đầy bất ổn hiện nay, chưa kể nếu Nga xây dựng thành công “Dòng chảy phương Nam” thì hệ thống của Ukraine sẽ có nguy cơ “nằm phơi nắng”.
Cao Cường (Theo báo Độc lập, Nga)