Cơ quan truyền thông của Trung tâm Y tế Công cộng (CPH) cho biết Bộ Y tế Ukraine đã thông qua kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho người dân nước này, theo đó 20 triệu người Ukraine, tức 50% dân số trên cả nước, sẽ được tiêm vaccine trong giai đoạn 2021 – 2022.
Kế hoạch đã phê duyệt gồm 4 giai đoạn tiêm vaccine và ưu tiên cho những nhóm người có nguy cơ cao nhất như các nhân viên y tế tuyến đầu. Kế hoạch sẽ được triển khai linh hoạt và được cập nhật tùy theo tình hình dịch bệnh, dữ liệu mới về vaccine cũng như sự sẵn có của vaccine. Theo quyền Tổng Giám đốc CPH Igor Kuzin, Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng nhận được lô vaccine đầu tiên trong quý I/2021. Kế hoạch trên do các chuyên gia CPH phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) soạn thảo.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Belarus Dmitry Pinevich thông báo nước này có kế hoạch đến cuối mùa Xuân sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 1,2 triệu người. Phát biểu trước báo giới, ông Pinevich nêu rõ chương trình tiêm chủng đại trà sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2021 và những đối tượng được ưu tiên tiêm trước tiên sẽ là các nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên làm việc cho các doanh nghiệp thương mại và vận tải. Theo ông Pinevich, quốc gia Đông Âu này sẽ sử dụng các vaccine của nước ngoài để tiêm phòng. Belarus sẽ có một loại vaccine để tiêm đại trà, một số loại vaccine của nhiều nhà sản xuất khác nhau dùng để tiêm miễn phí và theo yêu cầu của người dân. Theo kế hoạch, Belarus sẽ tăng số lượng người được tiêm vaccine lên 5,5 triệu người và tự phát triển vaccine nội địa trong tương lai.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức IRNA (Iran) đưa tin cùng ngày 22/12, Iran đã bắt đầu quy trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đối với vaccine do nước này tự bào chế để phòng COVID-19.
Giới chức Iran được dẫn lời cho biết nước này đã bắt đầu cho phép các tình nguyện viên đủ điều kiện về sức khỏe và tuổi đăng ký thử nghiệm lâm sàng vaccine sau khi vaccine này được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm và trải qua một số giai đoạn thử nghiệm thành công. Tính đến hết ngày 22/12, Iran, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19 tại Trung Đông, ghi nhận tổng cộng 1.170.743 ca mắc, trong đó có 54.003 ca tử vong.