UAE thử nghiệm vaccine của Sinopharm cho trẻ dưới 18 tuổi

Văn phòng Y tế Abu Dhabi ngày 17/6 thông báo đang thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm (Trung Quốc) cho trẻ em trong độ tuổi từ 3-17.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm cho người dân tại Dubai, UAE. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo cơ quan trên, cuộc thử nghiệm này nhằm theo dõi phản ứng miễn dịch của 900 trẻ để chuẩn bị cho việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong tương lai gần.

Tháng 5 vừa qua, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12-15. Dubai - thành viên lớn thứ 2 của UAE đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này ngay trong tháng 6 này.

Hiện UAE là một trong những quốc gia có tỷ lệ miễn dịch cao nhất thế giới. Tính đến nay, UAE ghi nhận tổng cộng 603.961 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.738 trường hợp không qua khỏi. Quốc gia vùng Vịnh này cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc và đã bắt đầu sản xuất vaccine này thông qua liên doanh giữa Sinopharm và công ty công nghệ Group 42 có trụ sở tại Abu Dhabi.

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 Khairy Jamaluddin cho biết Malaysia đang theo dõi chặt chẽ phương pháp tiêm kết hợp vaccine mà một số nước đã áp dụng. Theo liệu trình này, người dân sẽ được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca và mũi 2  sử dụng vaccine của Pfizer để nâng cao hiệu quả của vaccine. 

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến do Mạng lưới cựu sinh viên Oxford và Cambridge tại Malaysia tổ chức, ông Khairy cho biết trong cuộc họp của Ủy ban Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP) vào tuần trước, Giám đốc Viện Nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng (ICR) thuộc Bộ Y tế, Tiến sỹ P. Kalairasu đã nêu đề xuất áp dụng phương pháp tiêm 2 loại vaccine trên cùng 1 người. Hiện nay, Malaysia đã có dữ liệu về tiêm kết hợp vaccine ở Đức. Kết quả cho thấy phương pháp này có thể tăng cường kháng thể và hiệu quả hơn đối với biến thể của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, theo ông Khairy, Malaysia đang theo dõi chặt chẽ phương pháp trên vì không muốn đưa ra quyết định quá nhanh trước khi có thêm nhiều dữ liệu liên quan. Nếu Ủy ban Công tác kỹ thuật về việc tuyển chọn vaccine (TWG) có quyết sách rõ ràng, sẽ kiến nghị Ủy ban Đặc biệt về cung cấp vaccine ngừa COVID-19 (JKJAV) và sau đó sẽ thực hiện việc tiêm 2 loại vaccine ngừa COVID-19 trên cùng 1 người. Dẫu vậy, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung vaccine, ông Khairy cho rằng phương pháp này cũng khả thi.

Trước những kêu gọi về việc  rút ngắn thời gian giữa 2 mũi khi tiêm vaccine AstraZeneca , ông Khairy cho biết Malaysia đang gặp vấn đề về nguồn cung vaccine. Một phần vaccine của AstraZeneca có được từ chương trình COVAX bị trì hoãn, trong khi nguồn cung vaccine này từ Thái Lan dự kiến cũng không đảm bảo tiến độ. Vì vậy, Malaysia phải tính toán lại lịch trình tiêm, xem có thể rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine của AstraZeneca hay không.

* Australia ngày 17/6 đưa ra khuyến cáo không nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi. Australia đưa ra khuyến cáo trên sau khi 1 phụ nữ 52 tuổi, đã tử vong do huyết khối sau khi tiêm ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho người dân tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt, nguyên nhân nhà chức trách Australia đưa ra khuyến cáo trên là do lo ngại về khả năng liên quan giữa vaccine của AstraZeneca với việc xuất hiện huyết khối hiếm gặp. Ông thừa nhận khuyến cáo này có thể là một thách thức đối với chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nước này, vốn đang bị đình trệ, khi hiện mới chỉ có 3% trong tổng số 25 triệu dân nước này được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Ông Hunt khẳng định, mặc dù tình hình cung cấp vaccine toàn cầu còn rất nhiều khó khăn, thách thức chính phủ Australia sẽ nỗ lực bảo đảm 40 triệu liều vaccine Pfizer để có thể hoàn thành chiến dịch tiêm chủng cho mọi người dân đủ điều kiện tiêm chủng vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Giám đốc y tế liên bang Paul Kelly cho biết trong hai tháng qua, với hơn 3,8 triệu liều vaccine AstraZeneca đã tiêm, ít nhất 60 người gặp phải có một hội chứng máu đông hiếm gặp, bao gồm 12 trường hợp trong tuần qua và 7 người trong số này ở độ tuổi từ 50 đến 59. Giáo sư Kelly xác nhận, trong số 60 trường hợp trên, 22 người đang nằm viện, 4 người cần chăm sóc đặc biệt và 2 người đã tử vong.

Ông Kelly kêu gọi những người dân trên 50 tuổi đã tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên tiếp tục đi tiêm mũi thứ hai và khẳng định chưa có trường hợp nào gặp phải vấn đề máu động hiếm gặp sau khi tiêm mũi thứ nhất.  

Tháng 4 vừa qua, Australia đã quyết định chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho những người trên 50 tuổi, sau khi ghi nhận một số trường hợp xuất hiện huyết khối, được cho là có khả năng liên quan tới vaccine.

Australia đã đầu tư rất nhiều vaccine của AstraZeneca, phát triển một cơ sở có thể sản xuất 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tại địa phương. Việc mua vaccine khác bị hạn chế, đã khiến Chính phủ Australia từ bỏ mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành vào tháng 9/2021.

Hà Ngọc (TTXVN)
UAE và Bahrain sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm liều tăng cường
UAE và Bahrain sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm liều tăng cường

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã cho phép sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường tiêm chủng cho người đã tiêm chủng vaccine của công ty dược phẩm Sinofarm của Trung Quốc sản xuất. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN