“Thị trường năng lượng thế giới cần dầu Nga và không có nhà sản xuất nào có thể thay thế”, kênh truyền hình RT dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei ngày 28/3.
Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Dubai, Bộ trưởng al-Mazrouei lý giải Nga sản xuất 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, trở thành một thành viên không thể thiếu trong liên minh năng lượng OPEC+.
“Bỏ chính trị qua một bên, lượng dầu đó là cần thiết. Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy một bên nào có thể thay thế Nga”, Bộ trưởng al-Mazrouei khẳng định.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trên thế giới sau Saudi Arabia. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một số quốc gia, dẫn đầu là Mỹ, đã cam kết ngừng mua dầu và khí đốt của Nga. Mỹ, châu Âu và các nước đồng minh khác đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu ở vùng Vịnh tăng cường sản xuất nhằm hạ giá dầu thô, khi loại năng lượng này có thời điểm đã tăng vọt lên trên 120 USD/thùng.
Đầu tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) thông báo họ đã quyết định xả 60 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ khẩn cấp.
Tuần trước, EU đã hoãn lại việc áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô và dầu mỏ của Nga, bất chấp sức ép từ Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết một lệnh cấm vận ngay lập tức đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga “đồng nghĩa với việc đẩy đất nước của chúng tôi và toàn bộ châu Âu vào một cuộc suy thoái”. Châu Âu hiện nhập khẩu gần 30% dầu thô và khoảng 50% dầu mỏ từ Nga.
Ngày 25/3, Mỹ và EU đã đạt một thỏa thuận năng lượng, nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng Nga, bằng cách thay thế chúng với khí đốt hóa thạch Mỹ.T
heo thỏa thuận, chỉ tính riêng trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm 15 tỷ mét khối LNG cho EU. Khối lượng này chỉ bằng 1/10 khối lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối từ các nhà môi trường học khi họ cảnh báo thỏa thuận này có thể “gieo rắc thảm họa khí hậu”.