Tỷ phú giàu nhất thế giới bội thu trong thời gian đại dịch COVID-19

CEO của Amazon Jeff Bezos - người giàu nhất thế giới kể từ năm 2017 - đã thu về thêm 24 tỷ USD trong thời điểm dịch COVID-19 lây lan, tăng 20% tài sản của ông qua 4 tháng gần đây.

Chú thích ảnh
Tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh: AP

Tờ Guardian (Anh) cho biết ông Bezos sở hữu 11% cổ phần của trang bán lẻ trực tuyến Amazon.

Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt trong thời gian cách ly phong tỏa tránh virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan bởi hàng triệu người ở trong nhà và hạn chế ra ngoài. Thời điểm này sức mua sắm đã gần đạt đến mức đỉnh của mùa nghỉ lễ. Cổ phiếu của Amazon cũng tăng 5,3% và đạt mức kỷ lục trong ngày 14/4.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Mỹ, vào tháng 2 ông Bezos đã có bước đi khôn ngoan để tránh hụt tài khoản bằng việc bán lượng lớn cổ phần nắm giữ tại Amazon. Sau đó ông lại may mắn gặp được 3 ngày tăng mạnh nhất của thị trường chứng khoán từ 1933 với đỉnh vào hôm 24/3. Không lâu sau đó, thị trường chứng khoán xuống dốc vì COVID-19.

Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng cũng kéo theo tranh cãi về việc xử lý dịch của Amazon. Nhiều người lao động của Amazon phải đóng gói và vận chuyển hàng hóa tại các kho nơi COVID-19 có thể dễ dàng lây lan. Đã có ghi nhận về một số trường hợp nhân viên Amazon dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 14/4, Amazon xác nhận người lao động đầu tiên tử vong vì COVID-19. Người đàn ông này làm việc tại nhà kho của Amazon tại bang California.

Theo Guardian, Amazon có áp dụng các biện pháp an toàn trong nhà kho bao gồm quy định về khoảng cách 1,8m, cung cấp dụng cụ khử trùng cho nhân viên, kiểm tra thân nhiệt bắt buộc trước mỗi ca làm việc.

Amazon đã tuyển thêm 100.000 nhân viên Mỹ để xử lý nhu cầu gia tăng của khách hàng trong thời gian cách ly vì dịch COVID-19. Theo hãng tin Bloomberg, ông Bezos là một trong số ít những tỷ phú đã tăng tài sản cá nhân kể từ đầu năm 2020.

Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ trực tuyến khổng lồ này sẽ tạm ngừng tiếp nhận các đơn đặt hàng nhu yếu phẩm mới để ưu tiên xử lý các đơn hàng hiện có, giữa lúc lượng mua hàng trực tuyến tăng đột biến trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong thông báo mới nhất, Amazon cho biết bắt đầu từ ngày 13/4 sẽ đưa tất cả các đơn đặt hàng nhu yếu phẩm mới vào danh sách chờ trong khi tiếp tục tăng công suất mỗi tuần. Trong những tuần gần đây, hãng đã tăng số lượng cửa hàng Whole Food cung cấp nhu yếu phẩm từ 80 lên hơn 150 địa điểm. Amazon cũng có kế hoạch rút ngắn thời gian mở cửa của một số cửa hàng Whole Food để nhân viên có thể xử lý các đơn đặt hàng nhu yếu phẩm trực tuyến nhanh chóng hơn. 

Cũng trong thông báo ngày 12/4, Amazon cho biết sẽ thuê thêm nhân công để tăng công suất xử lý đơn hàng, cũng như chuyển những nhân viên làm việc ở các kho hàng sang làm bộ phận dịch vụ giao hàng nhu yếu phẩm với mức lương cao hơn. Động thái này, được Amazon gọi là “chia sẻ lao động”, cho thấy cách “liệu cơm gắp mắm” mà tập đoàn thương mại điện tử này đang nỗ lực tái phân bổ một số lực lượng lao động của mình để xử lý tình trạng tăng đột biến công việc ở mảng bán hàng trực tuyến đối với nhu yếu phẩm.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát buộc nhiều nước phải phong tỏa hoạt động đi lại hoặc thực thi giãn cách xã hội, giao hàng nhu yếu phẩm đã trở thành công việc thời thượng. Do đó, các động thái điều chỉnh trên cho thấy cách nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đang phát huy tốt sự hiện diện của mình trên mảng trực tuyến lẫn các cửa hàng thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi người tiêu dùng đang phải hạn chế ra ngoài. 

Tính đến sáng 16/4, Mỹ ghi nhận 644.089 ca nhiễm và 28.529 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Hà Linh/Báo Tin tức
Ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi mắc COVID-19
Ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi mắc COVID-19

Văn phòng thị trưởng thành phố Manaus của Brazil ngày 15/4 thông báo nước này đã ghi nhận 1 ca nhiễm SARS-CoV-2 là trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thuộc bộ tộc Warao tị nạn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN