Một số người cho rằng son môi là thước đo dự báo sự thay đổi của một nền kinh tế. Doanh số bán son tăng lên khi tâm lý người tiêu dùng đi xuống trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Con người có xu hướng chiều chuộng bản thân với những món hàng chi phí thấp.
Theo báo Korea Herald, khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố 11/9, doanh số bán son tăng 11% trong 6 tháng cuối năm so với nửa năm đầu. Chủ tịch thương hiệu mỹ phẩm Estee Lauder, ông Leonard Lauder đã gọi xu hướng này là “hiệu ứng son môi”.
Doanh số bán son cũng tăng tại nhiều thời điểm khó khăn khác như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một số người thậm chí còn cho biết xu hướng tương tự từng xảy ra trong cuộc Đại Suy thoái cách đây 90 năm.
Mặc dù cho đến nay, lý thuyết đó vẫn còn gây tranh cãi, song dường như điều này khá đúng đối với Hàn Quốc. Khi kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng năm 2008, doanh số bán son tại quốc gia này tăng 20-30% trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng y tế mới đây do virus SARS-CoV-2 gây ra, son môi đã bị thay thế bằng chì kẻ mắt. Tất cả là do người dân phải đeo khẩu trang phòng dịch viêm đường hô hấp (COVID-19).
“Tôi thường tô son mọi lúc, sau khi ăn, sau khi nói chuyện nhiều hay bất kỳ lúc nào tôi thấy son đã trôi. Nhưng giờ tôi không làm như vậy nữa vì lúc nào cũng đeo khẩu trang. Tôi chú trọng đến trang điểm mắt hơn vì đôi mắt là thứ mọi người thấy khi nhìn mặt tôi”, Kim Min-jeong – một nhân viên văn phòng tại thủ đô Seoul – chia sẻ.
Trên mạng xã hội Youtube, những vlogger (người tạo nội dung trên nền tảng video) chuyên về làm đẹp đã đăng những video hướng dẫn trang điểm khi đeo khẩu trang, nhấn vào phần mắt.
Theo báo cáo bán hàng của các hãng mỹ phẩm năm nay, doanh số bán mỹ phẩm dành cho mắt tăng đột biến, trong khi son môi ở mức khiêm tốn.
Lalavla – một chuỗi cửa hàng mỹ phẩm và sức khỏe của GS Retail - cho biết doanh số bán các sản phẩm trang điểm mắt tăng 51,8% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Lotte Shopping, doanh số bán các sản phẩm này của những thương hiệu cao cấp như Bobbi Brown hay Dior tăng vọt 40% qua hình thức bán lẻ trực tuyến, trong khi doanh số son môi chỉ tăng 2,2%.
“Tháng Ba thường là mùa cao điểm của ngành mỹ phẩm, nhưng năm nay, nhu cầu về sản phẩm trang điểm mắt tăng cao do việc đeo khẩu trang trở thành thói quen thường ngày”, thương hiệu mỹ phẩm Luna cho biết. Đơn đặt hàng tháng Ba cho bút kẻ mắt của Luna tăng 100% so với tháng Hai.
Trong khi khẩu trang trở thành một vật dụng quan trọng để ngăn virus SARS-Cov-2 lây lan, người tiêu dùng cũng đang lựa chọn các sản phẩm trang điểm không thấm vào khẩu trang. Thay vì kem nền, nhiều người lựa chọn kem chống nắng để khẩu trang không bẩn.
Tháng Ba vừa qua, thương hiệu Kolmar Korea thông báo họ ra mắt 4 sản phẩm mới không để lại bất kỳ dấu vết nào trên khẩu trang, bao gồm phấn nước, kem chống nắng nâng tông da, phấn phủ và son môi.