Tính đến thời điểm hiện tại, hai nước này ghi nhận 30 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Thực tế này đã làm dấy lên quan ngại nguy cơ dịch bệnh Ebola nguy hiểm có thể lây lan sang các nước khác trong châu lục.
Theo báo cáo được Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) công bố ngày 16/3, tại Congo ghi nhận 12 ca mắc và 6 ca tử vong, trong khi Guinea là 18 ca mắc và 9 ca tử vong. Số bệnh nhân Ebola thoát được "lưỡi hái tử thần" tại Guinea và Congo lần lượt là 2 và 8.
Africa CDC cho biết trong thời gian từ 15/2 - 12/3, cơ quan này đã nhận được 18 cảnh báo liên quan đến Ebola tại Sierra Leone. Tuy nhiên, các trường hợp nghi nhiễm đã có kết quả âm tính với virus này.
Africa CDC kêu gọi tất cả các nước châu Phi tăng cường nỗ lực giám sát tại các cửa khẩu biên giới thông qua lập bản đồ di chuyển của dân cư để xác định những điểm tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, các quốc gia châu Phi đã được khuyến khích thành lập các chốt kiểm tra và tiến hành kiểm tra sức khỏe cho những du khách có triệu chứng, cũng như thực hiện các biện pháp y tế công cộng tại các cửa khẩu biên giới như theo dõi thân nhiệt....
Africa CDC cũng kêu gọi các thành viên Liên minh châu Phi (AU) tiếp tục thực hiện truy vết và theo dõi tất cả các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm và cả những ca bệnh đã được xác nhận, cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân viên y tế và thực hiện chôn cất an toàn.
Ebola là một bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan với các triệu chứng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức toàn thân hoặc khó chịu. Nhiều trường hợp nặng bệnh nhân có thể xuất huyết bên trong và bên ngoài.
Đợt bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi giai đoạn 2014-2016 đã cướp đi sinh mạng của trên 11.300 người, với trên 28.600 ca bệnh được ghi nhận. Tháng 11/2020, WHO tuyên bố đại dịch Ebola chấm dứt hoàn toàn tại CHDC Congo.