Nhưng ở một phòng thí nghiệm tại New York, các chuyên gia vẫn không ngừng làm việc để nhận dạng những phần thi thể các nạn nhân còn sót lại sau vụ khủng bố. Họ lặp đi lặp lại những quy trình kỹ thuật hàng chục lần mỗi ngày, ngày này qua ngày khác với hy vọng sẽ xác nhận thêm danh tính các nạn nhân thiệt mạng. Công việc tại phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất khu vực Bắc Mỹ này chủ yếu xoay quanh các mẫu xương chưa được xác nhận.
Đầu tiên, các chuyên gia kiểm tra mẫu xương tìm thấy trong đống đổ nát của tòa tháp đôi. Mẫu xương sau đó được nghiền nhỏ thành bột mịn trước khi trộn với 2 chất hóa học giúp phát hiện ADN của xương. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của qui trình này không chắc chắn. Theo các chuyên gia, xương là mẫu vật khó nhận định ADN nhất. Đặc biệt, khi những mẫu xương này chịu tác động bởi những điều kiện như khói lửa, nấm mốc, vi khuẩn, ánh nắng mặt trời, nhiêu liệu từ máy bay hay xăng dầu, những vật chất có thể phá hủy cấu trúc ADN trong xương thì tỷ lệ thành công trong xác định ADN càng thấp hơn.
Có khoảng 22.000 bộ phận cơ thể người được tìm thấy tại hiện trường Trung tâm Tài chính thế giới được đưa đi kiểm tra và có những mẫu vật được kiểm tra tới 10 hoặc 15 lần. Cho tới nay, mới chỉ có 1.642 người trên tổng số 2.753 nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố được chính thức xác nhận danh tính. Nhiều năm trôi qua, có những lúc các chuyên gia không thể xác định thêm danh tính của bất kỳ người nào trong cả một năm dài nhưng họ vẫn kiên trì. Tuy không xác nhận kinh phí cụ thể cho chương trình này nhưng đây được cho là phòng thí nghiệm tiên tiến và được trang bị tốt nhất ở khu vực Bắc Mỹ.