Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 17 năm vụ khủng bố kinh hoàng tại tòa tháp đôi WTC ở New York (11/9/2001-11/9/2018), Chương trình Sức khỏe của WTC đã có cuộc khảo sát và đưa ra kết luận đã có ít nhất 9.795 người nhiễm ung thư. Con số này tiếp tục tăng theo cấp số nhân kể từ khi chương trình tại bệnh viện Mount Sinai này được khởi động năm 2013. Năm 2015, con số bệnh nhân ung thư liên quan tới vụ khủng bố 11/9 là 3.204 người, trong khi năm ngoái con số này đã vọt lên tới 8.188 ca.
Bác sĩ Michael Crane (Mi-sen Crên), Giám đốc y tế thuộc Chương trình Sức khỏe WTC cho biết: "Chúng tôi nhận 15 đến 20 ca bệnh mỗi tuần", đồng thời nhấn mạnh 17 năm sau thảm kịch, số lượng người lớn tuổi cần tới hỗ trợ y tế đã tăng lên.
Giới chức Mỹ cho biết kể từ sau vụ khủng bố, hơn 1.700 người bị ảnh hưởng đã tử vong, trong đó có 420 người mắc bệnh ung thư. Những người mắc bệnh đầu tiên có xu hướng phải chịu đựng căn bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư da, đồng thời hứng chịu nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn. Số người dân New York còn lại hít phải bụi độc hại cao hơn mức bình thường, và dễ mắc bệnh ung thư vú và ung thư hạch. Bệnh bạch cầu và các bệnh liên quan đến rối loạn tế bào máu cũng gia tăng.