Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha giữa vòng vây báo giới trong ngày trưng cầu dân ý 7/8. Ảnh: Sơn Nam/P/v TTXVN tại Bangkok |
Một quan chức Chính phủ Thái Lan cho biết các Tư lệnh Lục quân, Hải quân và Không quân đã họp với Thủ tướng Prayut tại Tòa nhà Chính phủ trong khoảng 1 giờ. Nội dung cuộc họp chưa được công bố, song được cho là có thể liên quan đến kết quả cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới. Theo thông tin ban đầu từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan, dự thảo Hiến pháp mới đã giành được 61,45% số phiếu ủng hộ trong khi chỉ có 38,55% số phiếu phản đối. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố trong 3 ngày tới.
Sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy có đến hơn 60% cử tri Thái Lan ủng hộ dự thảo hiến pháp mới, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã cam kết chính phủ sẽ theo đuổi "lộ trình" được Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) vạch ra, và cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ được tổ chức vào năm 2017. Các luật cơ bản theo hiến pháp mới và liên quan đến phương thức bầu cử sẽ được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) đưa ra trong vòng 4 tháng sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 7/8.
Đây cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hiến pháp mới tại nước này và văn kiện được trưng cầu nếu được thông qua sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932. Lần đầu tiên Thái Lan tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp là vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Có hai vấn đề sẽ được nêu ra trưng cầu ý kiến của người dân Thái Lan. Câu hỏi thứ nhất là họ có đồng ý với dự thảo bản hiến pháp mới với nhiều thay đổi về cấu trúc chính trị và hệ thống bầu cử hay không và câu hỏi thứ hai là liệu họ có chấp nhận một Thượng viện được chính quyền hiện tại chỉ định và có quyền cùng Hạ viện tham gia bầu chọn thủ tướng mới hay không.