Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Tunis, ông Mechichi khẳng định mục đích của cuộc cải tổ là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ.
Được biết, việc cải tổ diễn ra tại các bộ Nội vụ, Môi trường, Y tế, Tư pháp, Công nghiệp, Năng lượng và Nông nghiệp... Nội các mới, không có sự góp mặt của nữ bộ trưởng nào, cần phải được Quốc hội Tunisia phê duyệt.
Theo tuyên bố từ Phủ Tổng thống, vài giờ trước khi thông báo cải tổ chính phủ, ông Mechichi đã gặp Tổng thống Kais Saied và đảm bảo sự liêm chính của các bộ trưởng mới. Nội các mới sẽ không chấp nhận những người bị tố tụng, hoặc có biểu hiện nghi ngờ về lý lịch và hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây suy yếu nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các thể chế, cũng như tính hợp pháp trong các quyết định của họ.
Một trong những quan chức bị thay thế là cựu Bộ trưởng Môi trường Mustapha Aroui, người đã bị sa thải và bị bắt giữ tháng 12/2020 trong vụ bê bối liên quan đến hàng trăm container rác thải được nhập khẩu trái phép từ Italy. Ông Chiheb Ben Ahmed - Giám đốc điều hành của Trung tâm Xúc tiến Xuất khẩu Tunisia (CEPEX), đã được đề xuất thay thế vị trí của ông Aroui.
Chánh Văn phòng Nội các Walid Dhahbi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, thay cho ông Taoufik Charfeddine - cựu luật sư và là trụ cột trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Saied. Ông Taoufik bị sa thải hồi đầu tháng này do những bê bối liên quan việc thay đổi nhân sự cấp cao do ông thực hiện tại một số cơ quan an ninh.
Sau cuộc nổi dậy dẫn đến sự sụp đổ của nhà độc tài Abidine Ben Ali, Tunisia đã thành công trong việc chuyển đổi thành một nền dân chủ, nhưng đất nước đã bị tàn phá bởi tham nhũng và khủng hoảng kinh tế. Chỉ trong 10 năm qua, quốc gia Bắc Phi này đã có 9 chính phủ và hầu hết các lần chuyển giao quyền lực đều diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, các tầng lớp chính trị đã bị phân tán sâu sắc và bị tê liệt do mâu thuẫn nội bộ, làm gia tăng sự bất bình về tình trạng kinh tế - vốn ngày càng trở nên khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.