Theo hãng Reuters, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này ngày 15/4 lần đầu ghi nhận số ca mắc mới viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hàng ngày lên đến 200.000 người, cũng như cố gắng tiêm chủng cho nhiều người dân hơn bằng vaccine sản xuất nội địa.
Đối mặt với số ca bệnh tăng vọt khiến hệ thống bệnh viện quá tải sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, Ấn Độ cũng đột ngột thay đổi các quy tắc cho phép kiểm soát nhanh việc nhập khẩu vaccine, dù trước đó đã từ chối các nhà sản xuất nước ngoài như Pfizer.
Từ tháng này, Ấn Độ sẽ nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga để tiêm ngừa cho 125 triệu người. Sự đảo ngược này có thể cản trở không chỉ cuộc chiến chống đại dịch của Ấn Độ mà còn cả các chiến dịch tiêm chủng tại trên 60 quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi, trong nhiều tháng.
Chương trình Covax nhằm mục đích tiếp cận vaccine công bằng trên toàn thế giới, được sự hậu thuẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh vaccine Gavi, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ Ấn Độ - cường quốc dược phẩm của châu Á. Nhưng trong tháng này, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu được khoảng 1,2 triệu liều vaccine cho Covax. Con số này rất ít ỏi so với 64 triệu liều được vận chuyển ra nước ngoài từ cuối tháng 1 đến tháng 3 vừa qua.
Một quan chức nắm được chiến lược vaccine của Ấn Độ cho biết các mũi vaccine sẵn có sẽ được sử dụng trong nước trước do nước này đang phải đối mặt với tình huống khẩn cấp.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ - cơ quan giám sát các hợp đồng vaccine với những quốc gia khác – tuần trước cho biết nhu cầu sử dụng của Ấn Độ sẽ quyết định mức xuất khẩu.
Một số quốc gia tham gia chương trình Covax đã cho thấy tình trạng thiếu hụt ở trong nước. Một quan chức y tế Liên hợp quốc tham gia triển khai vaccine ở châu Phi cho biết: "Việc phụ thuộc vào một nhà sản xuất là điều gây lo ngại lớn".
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, John Nkengasong, đánh giá sự chậm trễ về nguồn cung vaccine từ Ấn Độ có thể biến thành thảm họa.
Bốn nguồn tin tham gia các cuộc thảo luận về cung cấp và mua sắm vaccine cho biết các yếu tố bao gồm sự chậm trễ của Ấn Độ và Covax trong việc đặt hàng, thiếu đầu tư vào sản xuất, thiếu nguyên liệu và đánh giá thấp tình hình dịch bệnh đã góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine.
Viện Serum của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, từng tuyên bố sẽ cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, với gần một nửa mục tiêu này sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021.
Tuy vậy, nhà sản xuất này cũng phải chịu áp lực để đáp ứng nhu cầu của các chính phủ khác, trong đó có Anh, Canada và Saudi Arabia, trong bối cảnh AstraZeneca gặp vấn đề về sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, Mỹ đã khép chặt hoạt động cung cấp các thiết bị và nguyên liệu quan trọng để tập trung vào các nhà sản xuất vắc xin nội địa, dẫn đến hạn chế hoạt động sản xuất tại Viện Serum, đồng thời trì hoãn mục tiêu nâng sản lượng hàng tháng lên 100 triệu liều trong nhiều tháng tới.
Một trở ngại ban đầu khác đối với tham vọng cung cấp của SII là việc Ấn Độ do dự trong việc đặt hàng cố định. Điều đó có thể cho phép nó sớm thúc đẩy sản lượng vaccine AstraZeneca, mặc dù các cơ quan quản lý vẫn chưa phê duyệt nó.
Theo các nguồn tin, Ấn Độ đã dành nhiều tháng để thảo luận về mức giá cuối cùng cho mỗi liều vaccine, và ấn định đặt mua đơn hàng ban đầu khoảng hai tuần sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ phê duyệt thuốc AstraZeneca.
Tại một thời điểm, Viện Serum đã chỗ để lưu trữ các liều thuốc đã sản xuất. "Đó là lý do tại sao tôi chọn không đóng gói quá 50 triệu liều thuốc, bởi vì tôi biết nếu đóng gói nhiều hơn số đó, tôi sẽ phải cất ở nhà riêng", Giám đốc điều hành Viện Serum Adar Poonawalla nói với Reuters hồi tháng 1. Ông Poonawalla cho biết đã chi 203 triệu USD cho 50 triệu liều vaccine mà công ty bắt đầu tích trữ từ khoảng tháng 10 năm ngoái.
Ngay cả bây giờ, một trong những nguồn tin cho biết chính phủ chỉ thực hiện các giao dịch mua đột xuất từ Viện Serum thay vì đồng ý lịch trình cung cấp dài hạn hơn. Công ty này đã nhận hơn 400 triệu USD từ chính phủ để tăng công suất, nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết nào.
Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã không trả lời yêu cầu bình luận về các vấn đề tài trợ, chậm trễ mua hàng và các khía cạnh khác của việc triển khai tiêm chủng tại quốc gia Nam Á này.
Covax cũng không bật đèn xanh chuyển hàng từ Viện Serum đến các nước tham gia cho đến sau khi loại vaccine AstraZeneca được WHO phê duyệt. Nguồn tin này cho biết những sự chậm trễ đó đồng nghĩa với việc Viện Serum không thể sản xuất hàng chục triệu liều bổ sung trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2.
Gavi đã bảo vệ quyết định về việc chờ đợi chấp thuận phù hợp trước khi tiếp tục với các đơn đặt hàng cố định. Và trong khi họ đang tìm kiếm thêm nhà cung cấp, họ thừa nhận rằng phần lớn vẫn phụ thuộc vào các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ - những người chiếm khoảng 60% nguồn cung cấp toàn cầu.
Covax có thỏa thuận mua hơn 1 tỷ liều vaccine từ Viện Serum. Song họ mới chỉ nhận được ít hơn 1/5 trong số 100 triệu liều AstraZeneca do Viện Serum sản xuất tính đến thời hạn mong đợi là tháng 5 tới. Viện Serum cũng được cho là đã sản xuất hàng triệu liều Novavax cho Covax.
Gavi đã hy vọng Viện Serum sẽ tiếp tục việc chuyển giao vaccine cho Covax vào tháng 5, nhưng hôm 14/4, liên minh này cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến điều đó.
"Chúng tôi hiểu tình hình nghiêm trọng ở Ấn Độ vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên, chúng tôi hy vọng và mong đợi việc giao hàng sẽ tiếp tục sớm nhất có thể", Gavi phản hồi Reuters qua thư điện tử.
Ngày 15/4, Ấn Độ ghi nhận 200.739 ca nhiễm trong 24 giờ, lập kỷ lục lần thứ bảy liên tục trong 8 ngày qua. Với 14,1 triệu ca nhiễm và 173.123 ca tử vong, mức độ ảnh hưởng bởi COVID-19 tại Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ trên thế giới.
Ban đầu, Ấn Độ chỉ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người có nguy cơ cao nhất vào tháng 8, hay chỉ hơn 1/5 trong nền dân số 1,35 tỷ người. Chính phủ quốc gia này hiện đã mở rộng phạm vi tiêm chủng cho thêm 100 triệu người và hứa sẽ mở rộng hơn nữa.