Theo bài điều tra độc quyền của tờ Wall Street Journal ngày 27/6, tháng 3 vừa qua, Mỹ đã triệu tập một cuộc họp bí mật của quan chức quân sự hàng đầu đến từ Israel và các nước trong khối Arab. Mục đích là để thảo luận, định ra cách thức điều phối chống lại sức mạnh tên lửa, thiết bị bay không người lái của Iran. Đây là lần đầu tiên đại diện của Israel và khối Arab cùng ngồi lại với nhau dưới sự bảo trợ của Mỹ để chống lại một mối đe dọa chung Iran.
Nguồn thạo tin ẩn danh tham gia tiến trình này cho biết cuộc gặp giữa Israel, Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập, Jordan được thúc đẩy trong bối cảnh Israel và các nước láng giềng ở vào giai đoạn đầu quy trình thảo luận về hợp tác quân sự tiềm tàng giữa hai bên. UAE và Bahrain cũng cử quan chức tham gia.
Đứng đầu phái đoàn Mỹ là tướng Frank McKenzie – người lúc đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM). Đại diện cho Israel là Trung tướng Aviv Kochavi, Tham mưu trưởng quân đội nước này. Tướng Fayyadh bin Hamed Al Ruwaili, Tư lệnh quân đội, dẫn đầu phái đoàn Saudi Arabia tham dự cuộc gặp.
Trong nhiều thập kỉ qua, một riềng mối hợp tác quân sự như vậy luôn được coi là bất khả thi. Giới tướng lĩnh Mỹ tại Trung Đông buộc phải khuyến khích các nước Arab điều phối phòng không mà không dính đến Israel – nhân tố vẫn bị xem là thù địch trong thế giới Arab. Nhưng cuộc gặp lần này được lên khuôn do xuất hiện nhiều thay đổi, nổi bật là quan ngại chung về Iran, quan hệ chính trị ngày một được mở rộng giữa Israel-khối Arab bên nhờ Hiệp định Abraham Accords.
Tuy nhiên, thỏa luận giữa các quốc gia Trung Đông về hợp tác phòng không còn cả một chặng đường dài, với nhiều điểm nhạy cảm về ngoại giao. Đại tá Joe Buccino, phát ngôn viên CENTCOM, không thừa nhận cuộc gặp ở Sharm El Sheikh, nhưng nói rằng Bộ tư lệnh này sẽ duy trì cam kết vững chắc về tăng cường hợp tác khu vực, phát triển cấu trúc phòng thủ tên lửa và phòng không nhất thể hóa để bảo đảm cho lực lượng của đồng minh, đối tác khu vực. Đại diện các nước còn lại hoặc không đưa ra bình luận nào, hoặc phủ nhận về sự tồn tại của cuộc gặp.
Theo nguồn tin ẩn danh, tại cuộc đàm phán cấp cao ở Sharm El Sheikh, trước đó là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên mang tính dọn đường, đại diện các nước đã đạt đồng thuận về nguyên tắc đối với quy trình nhanh chóng phát lệnh thông báo khi phát hiện ra mối đe dọa trên không. Ở thời điểm hiện tại, việc thông báo này mới chỉ dừng ở điện thoại, máy tính, mà chưa thể thông qua hình thức chia sẻ dữ liệu quân sự kỹ thuật số tốc độ cao của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm Israel và Saudi Arabia vào trung tuần tháng 7. Phát ngôn viên Hội đồng Am ninh Quốc gia Mỹ khẳng định Nhà Trắng ủng hộ việc “mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ Israel-khối Arab”, nhưng không công bố thông tin chi tiết về đường hướng này.
Trong nhiều thập kỉ qua, Mỹ luôn kỳ vọng thiết lập được một mạng lưới phòng không tích hợp cho Trung Đông, một hệ thống kết nối radar, vệ tinh và các thiết bị cảm biến đặt tại nhiều nước trong khu vực. Những nỗ lực của Mỹ đối với các nước Arab vùng Vịnh lâu nay luôn bị ngáng chở bởi việc số này không muốn chia sẻ thông tin, dữ liệu nhạy cảm bộc lộ những điểm dễ bị tổn thương, cùng với đó là tâm lý lo sợ Saudi Arabia sẽ thống trị một quan hệ đối tác kiểu vậy.
Đã xuất hiện nhiều nhân tố giúp tiến đến một hệ thống phòng không tiềm tảng ở khu vực. Saudi Arabia đã mua 22 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và đang mở các cuộc đàm phán với Mỹ về hợp đồng đặt mua các tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). UAE đã sở hữu một hệ thống THAAD, còn Israel có “Vòm Sắt” và nhiều hệ thông phòng thủ tiên tiến khác chuyên phát hiện, bắn chặn rocket, tên lửa của đối phương.