Truyền thông Triều Tiên đề nghị phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn

Truyền thông Triều Tiên ngày 14/3 hối thúc Mỹ đồng ý đề nghị của Bình Nhưỡng về việc hủy bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon đổi lại việc dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt, coi đây là đề nghị tốt nhất có thể vào thời điểm này.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 100 km về phía bắc, ngày 27/6/2008. Ảnh: EPA/TTXVN

Trang mạng tuyên truyền Uriminzokkiri nêu rõ các bước đi phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên cũng như đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt tương xứng đã phản ánh đủ lập trường và yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Theo Uriminzokkiri, hiện không có biện pháp nào tốt hơn đề nghị này.

Cũng theo trang mạng trên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 vừa diễn ra tại Hà Nội là cơ hội để Triều Tiên thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện đề nghị của cộng đồng quốc tế về việc chấm dứt đối đầu, thúc đẩy hòa bình và ổn định. Trang mạng này cũng khẳng định quan điểm kiên định của Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa.

Theo giới quan sát, hầu như ngày nào truyền thông Triều Tiên cũng đề cập tới việc Washington cần đồng ý với đề nghị của nước này về các biện pháp phi hạt nhân hóa, trong khi bày tỏ ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Giới phân tích coi đây là thiện chí của Bình Nhưỡng nhằm tiếp tục tiến trình đối thoại với Mỹ bất chấp việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 vừa kết thúc tại Hà Nội mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cũng như những đồn đoán về việc nước này có thể đang chuẩn bị phóng thử tên lửa.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tại Houston, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington lạc quan về việc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông cho biết hiện cộng đồng quốc tế gây áp lực đối với Triều Tiên thông qua việc siết chặt các biện pháp trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh dù biết rõ con đường phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sẽ dài và gập ghềnh song Washington tiếp tục lạc quan rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn phi hạt nhân hóa và dự định sẽ đi theo con đường này.

Trên thực tế, Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân kể từ cuối năm 2017 và tại cuộc gặp mới đây với Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un cam kết sẽ không tiếp tục thực hiện các vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ông vẫn chưa có cập nhật nào về Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, đồng thời khẳng định mối quan hệ với Triều Tiên vẫn tốt đẹp.

Trong một diễn biến liên quan, theo kế hoạch, ngày 15/3, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề hạt nhân Triều Tiên Stephen Biegun sẽ tới New York gặp các nước thành viên HĐBA LHQ nhằm thảo luận vấn đề Triều Tiên, cũng như các nỗ lực đảm bảo việc thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên cho đến khi nước này "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đầy đủ và có thể kiểm chứng".

Ngọc Hà (TTXVN)
Tín hiệu lạc quan sau khẳng định phi hạt nhân hóa ‘hoàn toàn’ của Triều Tiên
Tín hiệu lạc quan sau khẳng định phi hạt nhân hóa ‘hoàn toàn’ của Triều Tiên

Một ấn phẩm tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên ngày 12/3 khẳng định quốc gia này cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, như một tín hiệu ám chỉ Bình Nhưỡng sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN