Các nhà thiết kế, sản xuất chip bán dẫn hàng đầu như Intel và Amkor đều có nhà máy tại Việt Nam. Một trong những độc lực khiến các doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là do dân số trẻ và nguồn nhân tài tiềm năng.
Theo CNA, chính phủ Việt Nam cũng tận dụng lợi thế này để đưa ra các cải cách và sáng kiến để thu hút các tập đoàn bán dẫn lớn. Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo tối thiểu 10.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm.
Ông Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi có cơ hội vô cùng hiếm có khi chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua những thay đổi lớn lao. Tôi cho rằng đây là cơ hội sẽ không bao giờ lặp lại nữa”.
Theo CNA, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn nhân tài tại Việt Nam. Samsung đã chọn 10 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ miền Bắc để tham gia vào chương trình đào tạo bán dẫn. Họ sẽ trải qua quá trình đào tạo sau đại học với các nội dung về chuỗi cung ứng, thiết kế vi mạch đến sản xuất chất bán dẫn… Các sinh viên này sẽ tốt nghiệp sau một năm và làm việc tại các nhà máy bán dẫn của Samsung tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng cho biết, Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, đang trong thời kỳ dân số vàng; có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực STEM. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử…
Ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C = SET + 1. Trong đó, C: Chip (Chip bán dẫn); S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng); E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử); T: Talent (Nhân tài, Nhân lực); + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
Ông Kay Chai Ang tại Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một cường quốc về bán dẫn ở Đông Nam Á và đang ở vị thế tốt để đóng góp vào mọi giai đoạn của chuỗi giá trị. Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024.
Ông Ang đánh giá: “Đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn của chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050 từ thiết kế vi mạch, thử nghiệm lắp ráp và đóng gói đã thúc đẩy tăng trưởng này”.
Mối quan hệ thân thiện của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ cũng khiến quốc gia Đông Nam Á này trở thành địa điểm đầu tư tương đối an toàn. Mỹ và Trung Quốc đã mắc kẹt chiến tranh thương mại kể từ năm 2018, dẫn đến căng thẳng gây thay đổi chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu.
Đáng chú ý, các nhà phân tích vẫn chưa chắc chắn về tác động của việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đối với thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng họ lạc quan về tiềm năng của Việt Nam.
Một số công ty bán dẫn toàn cầu đã đặt nhà máy tại Việt Nam để thiết kế chip cũng như lắp ráp, thử nghiệm chip. Năm ngoái, Amkor (Mỹ) đã mở nhà máy sản xuất chip trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh và đánh giá đây là cơ sở tiên tiến nhất thế giới.
Besi, công ty đa quốc gia của Hà Lan chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị bán dẫn, gần đây đã mở nhà máy tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.