Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam bày tỏ hy vọng Nhật Bản tiếp tục thể hiện vai trò trong vấn đề Biển Đông”, hãng tin Kyodo nhận định Thủ tướng Việt Nam đã bày tỏ rõ mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông. Kyodo dẫn nguyên văn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Nhật Bản có chung quan điểm với Việt Nam và đã đóng góp vào việc đảm bảo một Biển Đông hòa bình và ổn định”. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tiếp cận của Nhật Bản đối với khu vực.
Trong bối cảnh năm nay kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia. Với việc số người Việt Nam sinh sống học tập tại Nhật Bản tăng nhanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng: “Các hoạt động giao lưu nhân dân chính là cầu nối tình hữu nghị, là nền tảng cho mối quan hệ bền vững giữa hai quốc gia”.
Liên quan đến việc tăng số nước tham gia CPTPP sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Việt Nam nhận định: “Vấn đề cần được xem xét trên cơ sở nhất trí của các bên liên quan sau khi thỏa thuận có hiệu lực” và “Việt Nam cùng các nước thành viên, sẽ tập trung vào việc làm cho thỏa thuận sớm có hiệu lực”.
Báo điện tử Tokyo Shinbun tối cùng ngày đã dẫn tin nguồn của Kyodo về bài trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong khi đó, báo điện tử Nikkei nêu bật vấn đề CPTPP với bài viết có tiêu đề “Thủ tướng Việt Nam: Phê chuẩn TPP11 vào tháng 11, sớm đi vào hiệu lực”. Theo Nikkei, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Quốc hội Việt Nam dự kiến đến tháng 11 tới sẽ phê chuẩn CPTPP. Thủ tướng Việt Nam cho rằng lợi ích của việc tham dự CPTPP là rất lớn và bày tỏ mong muốn mở ra tối đa tiềm năng của kinh tế và thương mại, đồng thời hy vọng CPTPP sẽ có thêm thành viên.
Theo Nikkei, CPTPP sẽ có hiệu lực sau khi có từ 6 nước trở lên phê chuẩn. Trước đó, Mexico, Nhật Bản, Singapore đã hoàn tất thủ tục này. Nếu Việt Nam phê chuẩn, đây sẽ là một bước tiến lớn đối với tiến trình đưa CPTPP đi vào hiệu lực. Các nước tham gia chủ trương sớm kết nạp thành viên mới vào năm 2019. Thái Lan và Indonesia hiện đang có thái độ tích cực đối với việc tham gia CPTPP. Bên cạnh việc hoan nghênh mở rộng CPTPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh trước tiên, 11 nước thành viên hiện tại liên kết chặt chẽ “nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn thỏa thuận này”.
Ngoài ra, báo Nikkei cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông, trong đó nêu rõ Thủ tướng Việt Nam “yêu cầu không làm phức tạp tình hình”, một lần nữa “kêu gọi các nước liên quan kiềm chế". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản là tiền đề cho việc duy trì hòa bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mong muốn “Nhật Bản tham gia một cách tích cực”.