Bài viết đánh giá phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, tác giả cho rằng 5 năm sau khi PCA ra phán quyết về Biển Đông (ngày 12/7/2016), tình hình an ninh tại Biển Đông tiếp tục căng thẳng bất chấp các bên đã nỗ lực duy trì sự ổn định thông qua các biện pháp và hoạt động chung. Bài viết nêu rõ các mối đe dọa khủng bố hàng hải, cướp biển, xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp, đánh bắt cá trái phép, buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người. Các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không được kiểm soát (IUU) không chỉ đe dọa sự tồn tại của sinh vật biển mà còn góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia. Cơ sở hạ tầng cảng và vận tải biển thương mại cũng ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi cướp biển và khủng bố hàng hải.
Bài viết khuyến nghị để giảm bớt sự gia tăng các hoạt động quân sự và chiếm đóng trên thực địa gần đây, cần có các hành động tập thể từ ASEAN, đặc biệt là sự thống nhất, đoàn kết của các nước thành viên. Tác giả nhấn mạnh ASEAN và các nước thành viên có nghĩa vụ đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, đồng thời các quốc gia ngoài khu vực cần phải tôn trọng các cơ chế hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt.
Bài viết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, theo đó dẫn chứng quan điểm của Malaysia và Brunei về vấn đề này. Trong các văn bản pháp lý và diễn đàn gần đây, Malaysia đã tái khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Mới đây, tại cuộc họp lần thứ 31 của các quốc gia thành viên UNCLOS, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Malaysia tại LHQ Syed Mohamad Hasrin Aidid chia sẻ lập trường của nước này cho rằng cần sử dụng UNCLOS làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh UNCLOS đã và đang góp phần tăng cường hòa bình, an ninh, hợp tác và hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới.
Theo bài viết, trong Sách trắng Quốc phòng năm 2021 công bố cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Brunei đề cập UNCLOS như một công cụ quan trọng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Nước Chủ tịch ASEAN 2021 khuyến nghị cần phải nỗ lực xác định các chuẩn mực và hành vi được chấp nhận theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS.
Bài viết cũng khẳng định việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đảm bảo đạt được tiến bộ thực chất trong các cuộc đàm phán nhằm sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết tranh chấp ở vùng biển này.