Theo phóng viên TTXVN tại Đức, báo Ngôi sao (Stern) đã có bài viết nêu rõ, gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, một tòa án tại Pháp sẽ đưa ra phán quyết chống lại tập đoàn hóa chất Bayer và các tập đoàn hóa chất quốc tế khác vào ngày 10/5 tới. Nguyên đơn trong vụ kiện này là bà Trần Tố Nga, 79 tuổi, một người Pháp gốc Việt, cáo buộc công ty Monsanto của Mỹ (từ năm 2018 thuộc sở hữu của tập đoàn Đức Bayer), công ty Dow Chemical của Mỹ cùng nhiều công ty khác đã cung cấp chất phát quang cực độc cho quân đội Mỹ sử dụng trên diện rộng ở Việt Nam từ năm 1961 - 1971 gây những hậu quả nghiêm trọng cho 4 triệu người và thiệt hại lớn về môi trường.
Cũng theo bài báo, thông qua vụ kiện này, nguyên đơn cùng các tổ chức ủng hộ mong muốn cộng đồng quốc tế công nhận tội danh "hủy diệt sinh thái" trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bà Trần Tố Nga nguyên là nhà báo, nhà hoạt động và bản thân bà cũng đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin khi các máy bay Mỹ rải chất độc này xuống các cánh rừng Việt Nam. Nhiều năm qua, bà đã bền bỉ đấu tranh chống lại sự bất công trong chiến tranh Việt Nam. Bà nói: "Tôi không chiến đấu cho bản thân mà cho con cháu tôi và hàng triệu nạn nhân khác".
Bài báo trên tờ Ngôi sao giải thích rõ chất độc da cam/dioxin làm rụng lá là nguyên nhân gây bệnh ung thư và những dị tật nghiêm trọng cho người bị phơi nhiễm. Bà Tố Nga và một người con gái của bà bị nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư. Một người con gái khác của bà đã mất sớm vì dị tật tim bẩm sinh. Theo luật sư Valérie Cabanes của bà Tố Nga, cho đến nay, mỗi năm ở Việt Nam vẫn có khoảng 6.000 trẻ em sinh ra bị dị tật do tác động truyền qua nhiều đời của chất độc da cam/dioxin.
Bài báo cho biết thêm là hiện các tập đoàn hóa chất đã đề nghị bồi thường cho bà Tố Nga nhưng đều bị bà bác bỏ. Bà nói rõ đây là "cuộc chiến cuối cùng" nhưng không phải vì tiền mà để đòi lại công lý.
Cũng trong ngày 7/5, kênh truyền thông Làn sóng Đức (Deutsche Welle) đưa tin về những hậu quả dai dẳng của chất độc da cam/dioxin mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bản tin cho hay đến nay vẫn có hàng triệu người phải chịu những ảnh hưởng lâu dài của chất độc và nhiều sinh linh khi chào đời đã phải chịu những dị tật nặng nề. Quân đội Mỹ đã thực hiện trên 6.000 phi vụ rải chất độc để phát quang những cánh rừng, chặn đường tiếp tế và phá hủy nguồn lương thực tăng gia cho những người lính Việt Cộng. Tổng số chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam lên tới 45.677.937 lít. Những người bị phơi nhiễm trực tiếp với chất độc này có thể bị tổn thương nội tạng nghiêm trọng, nhất là gan. Chất độc cũng làm tổn hại các thai nhi và gây trình trạng quái thai. Thậm chí nhiều trẻ sinh ra 3 thế hệ sau vẫn bị dị tật hoặc đau ốm nặng.
Theo các số liệu, ước tính đã có khoảng từ 2 - 4 triệu người bị ảnh hưởng lâu dài và ít nhất 100.000 trẻ em sinh ra bị khuyết tật. Ngoài những dị tật nghiêm trọng còn phải kể đến hơn 20 căn bệnh được cho là hậu quả trực tiếp của chất độc da cam/dioxin như sứt môi và hở hàm ếch, gù vẹo cột sống, suy giảm miễn dịch, rối loạn thần kinh, tiểu đường và Parkinson. Ngoài ra, bệnh bạch cầu, ung thư tuyến tiền liệt và những bệnh khác cũng được cho là do ảnh hưởng lâu dài của chất độc da cam/dioxin, vì chất độc này tồn tại rất lâu trong môi trường, vẫn có thể được tìm thấy trong đất và nước, ảnh hưởng tới chu trình thực phẩm hơn 45 năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Bản tin của kênh Làn sóng Đức còn cho biết, do được triển khai với quy mô lớn nên chính những người lính Mỹ cũng bị phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin. Khi nhận thấy có mối liên hệ giữa sụt giảm sức khỏe với chất độc da cam/dioxin, các cựu binh cũng đã đệ đơn kiện tập thể chống lại một số công ty sản xuất hóa chất. Năm 1984 đã từng xảy ra một vụ dàn xếp ngoài tòa khi 7 công ty hóa chất lập quỹ bồi thường trị giá 180 triệu USD, số tiền lớn nhất từng được trả trong một vụ dàn xếp ngoài tòa cho đến nay. Trong 10 năm sau đó, quỹ này đã chi trả 197 triệu USD cho 52.000 cựu binh Mỹ. Điều đáng nói là đến nay vẫn chưa có một khoản bồi thường nào được trả cho các nạn nhân người Việt.