Bà Trần Tố Nga tiếp tục tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Những ngày này, khi vụ kiện 26 công ty hóa chất Hoa Kỳ tại Tòa án Đại hình thành phố Evry (Pháp) đang bước vào giai đoạn quan trọng, bà Trần Tố Nga, người Pháp, gốc Việt - nguyên đơn vụ kiện có dịp trở về quê hương, tiếp tục hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.


Bà Trần Tố Nga (áo tím) gặp các bạn học cũ tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN.


Về lại nơi mình sinh ra, lớn lên, bà Nga đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có việc tham gia tuyên truyền, đồng hành vì nạn nhân da cam tại Thành Phố Hồ Chí Minh, thăm lại chiến trường xưa,... Từ những chuyến đi, bà nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt gần 18.000 người dân tỉnh Sóc Trăng, quê hương của bà đã ký tên ủng hộ vụ kiện tại Pháp. Bà cũng nhận được hơn 110 triệu đồng từ những con người đang ngày đêm lam lũ nhưng luôn mang trong mình mong muốn tìm lại công bằng cho các nạn nhân da cam trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của bà Trần Tố Nga, hai trong số những hoạt động mà bà đặc biệt quan tâm trong chuyến trở lại quê hương lần này diễn ra trong hai ngày 12 - 13/8 là chuyến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và chuyến trở về nơi 60 năm trước đã nuôi dưỡng, giúp đỡ bà khi còn là nữ sinh miền Nam trên đất Bắc - xã Trung Kiên, huyện Từ Liêm (nay là Phường Tây Tựu, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Bà Trần Tố Nga thăm hỏi các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại tại Trung tâm bảo trợ xã hội – Sở Lao động thương binh xã hội Tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Vui mừng trước việc Trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang được xây dựng khang trang, hiện đại, bà Nga hy vọng mình có dịp quay lại để nhìn thấy “niềm hy vọng” của nạn nhân da cam này hoàn thiện, có điều kiện trợ giúp, chăm sóc những con người bất hạnh, đang ngày đêm gánh nỗi đau chiến tranh đè nặng thể xác, tinh thần của họ.

Vốn là một tiểu thư Sài Gòn, học trường Tây (Trường Marie Curie), cách đây 60 năm, lúc mới 13 tuổi, Trần Tố Nga được mẹ gửi ra Bắc học Trường học sinh miền Nam. Mười năm trên đất Bắc, cô đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp (khoa Hóa), rồi tình nguyện khoác balô vượt Trường Sơn tham gia cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam cùng cha, mẹ và hàng triệu thanh niên khác.

Tiểu thư Tố Nga ngày nào, giờ đã trở thành bà, thành mẹ. 73 tuổi, Bà hiện là người Pháp, gốc Việt, đang mang trong mình rất nhiều bệnh tật là di chứng của chất độc da cam. Tuy nhiên tuổi “xưa nay hiếm”, bà Nga vẫn hăng hái trên con đường đi tìm công lý cho nạn nhân da cam. Từ năm 2009, bà đã đồng hành cùng nạn nhân da cam, tham gia ủng hộ vụ kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Pháp. Đặc biệt, tháng 5/2009, bà đứng ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được tổ chức theo sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế. Từ đó đến nay, bà tích cực thu thập các chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ, làm đơn kiện lên Tòa án Đại hình của thành phố Evry (Pháp). Vụ kiện đã qua hai phiên tranh tụng và giành được thắng lợi về công luận, góp phần thức tỉnh lương tri, kêu gọi công luận hướng về nạn nhân da cam.

Bà Trần Tố Nga cùng với đại diện Trung tâm bảo trợ xã hội - Sở Lao động thương binh xã hội Tỉnh Sóc Trăng, Hội nạn nhân chất độc da cam Tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Với gương mặt đẹp phúc hậu, dáng vẻ hoạt bát, cách nói chuyện có duyên, bà Nga gây ấn tượng mạnh với tất cả những ai đã từng được tiếp xúc với mình. Tuy nhiên trong những câu chuyện, rất ít khi bà kể về mình, về những nỗi đau mà một người mẹ phải gánh chịu khi sinh con trong tù, phải chứng kiến đứa con gái xinh xắn, bụ bẫm vật lộn với bệnh tật đến khi mất. Bà thường kể về đồng đội, về những năm tháng chiến tranh với những kỷ niệm gian khổ nhưng hào hùng.

Bà Nga trước đây là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam); từng có mặt tại những trận đánh ác liệt tại Củ Chi. Bà bị phơi nhiễm chất độc da cam trong thời gian này. Hòa bình lập lại, bà một mình nuôi hai con và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp giáo dục với vai trò hiệu trưởng các trường Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie, Sư phạm kỹ thuật ( thành phố Hồ Chí Minh).

Về thăm lại nơi nuôi dưỡng, giúp đỡ mình khi còn là một cô bé 12-13 tuổi, bà Nga xúc động hồi tưởng lại những năm tháng ấy, dân làng Trung Kiên đã mở rộng cửa đón những bé gái lần đầu tiên xa nhà, rộng lòng bao bọc, che chở cho những đứa trẻ xa lạ ấy như những đứa con của mình. Để đến bây giờ khi đã trưởng thành, đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước ở mọi lĩnh vực, các học sinh miền Nam trước đây trong đó có bà Nga không bao giờ quên những tình cảm chân thành, quý báu đó của người dân Tây Tựu cũng như người dân miền Bắc.

Về với Tây Tựu, bà Nga như người con xa quê 60 năm được sum họp cùng gia đình. Ánh mắt bà rạng ngời khi gặp lại Cụ Đặng Thị Sen cùng con cháu cụ là gia đình đã trực tiếp giúp đỡ bà cùng 5 người bạn năm 1955.

Thăm lại nơi mình từng sống, học tập, kỷ niệm cứ thế ùa về. Bà Nga nhớ rành rẽ căn bếp từng giúp bà ấm lòng khi đói, bể nước nơi cho bà dòng nước mát lành khi khát, con đường nhỏ mà chiều thứ bảy nào bà vẫn đứng ngóng người thân đến đón và dòng sông trước khu chợ là nơi bà thỏa nỗi nhớ quê mẹ sau những giờ học căng thẳng…
Kiễng chân bè vài chùm nhãn, với tay hái trái ổi, bà Nga thầm mong mình sẽ có dịp trở lại mảnh đất ấm nghĩa nơi người dân sẵn sang ăn khoai, ăn sắn để “dành cơm gạo trắng cho đám trẻ miền Nam ấm lòng” này.

Chia tay Tây Tựu, bà mang theo cả tấm lòng, tình cảm của người dân Tây Tựu. Bản danh sách chữ ký ủng hộ vụ kiện của bà Nga tại Pháp cũng được nối dài hơn. Với người phụ nữ tóc đã bạc phơ ấy, Tây Tựu mãi là quê hương thứ hai của mình. Người dân Tây Tựu cũng như người dân Việt Nam luôn trong trái tim bà, tạo động lực cho bà tiếp tục vụ kiện khó khăn và gian nan mà bà đang theo đuổi.

Mỹ Bình (TTXVN)
Công luận Pháp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam
Công luận Pháp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam

Là dân tộc yêu chuộng hòa bình đồng thời có lịch sử gắn bó lâu dài với Việt Nam, nhân dân Pháp luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh của công luận quốc tế đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN