Truyền thông Bangladesh: Mô hình chống dịch COVID-19 của Việt Nam là bài học quý giá

Trang mạng dhakatribune.com của Bangladesh vừa đăng bài phân tích kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khẳng định Việt Nam là minh chứng của mô hình phòng chống dịch bệnh trong điều kiện một quốc gia với nguồn lực hạn chế nhưng có quyết tâm chính trị cao. Từ mô hình này, Bangladesh có thể học hỏi được những bài học để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Chú thích ảnh
 Bảng tin tuyên truyền của phường Hàng Bông (Hà Nội) về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo bài viết, khi các nước trên thế giới vật lộn với virus SARS-CoV-2, Việt Nam - quốc gia với mật độ dân số đông đúc, với một hệ thống chăm sóc sức khỏe không quá hiện đại và ngân sách không phải là nhiều, lại có thể mang đến nhiều bài học quý giá về cách khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận trên 250 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong. Trong số các ca bệnh, có tới 50% đã hoàn toàn bình phục.

Trang mạng trên nêu rõ ngay từ khi dịch bệnh mới chỉ bùng phát trong phạm vi Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã “tuyên chiến” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã áp dụng biện pháp cách ly và theo dõi hiệu quả. Thay vì xét nghiệm trên diện rộng, Việt Nam chú trọng việc cách ly và cô lập những người mắc bệnh, đồng thời truy tìm các đối tượng đã tiếp xúc với người bệnh.

Việt Nam còn áp dụng việc cách ly bắt buộc và huy động sự chung tay góp sức của các sinh viên y khoa và các bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu. Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện biện pháp cách ly mọi cá nhân đến từ vùng có nguy cơ cao nhập cảnh vào Việt Nam. Các biện pháp này được áp dụng rất sớm trong quá trình kiểm soát dịch bệnh. Tất cả các trường học đều đóng cửa từ đầu tháng 2/2020.

Trang mạng dhakatribune.com cũng cho rằng thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19 một phần nhờ việc huy động các lực lượng cùng tham gia giám sát và can thiệp. Lực lượng an ninh có mặt khắp nơi trên đường phố cũng như các khu dân cư, làng xóm. Quân đội cũng triển khai cả nhân lực và phương tiện để hỗ trợ trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Cảnh sát đã triệu tập và phạt khoảng 800 người chia sẻ các tin giả về dịch bệnh. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã phát động chiến dịch truyền thông ở quy mô lớn.

Bài viết còn đề cập biện pháp tuyên truyền để người dân Việt Nam cùng tham gia chống đại dịch thông qua việc khơi dậy niềm tự hào về sức mạnh đoàn kết, sát cánh trong cuộc khủng hoảng và vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trang mạng này dẫn lời Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia) Carl Thayer, nhận xét ở Việt Nam, cả xã hội đồng lòng trong cuộc chiến chống COVID-19 và chính phủ điều hành hiệu quả đất nước đối phó với thiên tai, dịch bệnh.

Ngọc Hà (TTXVN)
Bài học về đeo khẩu trang ở Mỹ trong đại dịch cúm năm 1918
Bài học về đeo khẩu trang ở Mỹ trong đại dịch cúm năm 1918

Mãi khi đại dịch COVID-19 nghiêm trọng, Mỹ mới khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong khi châu Á đã thực hiện điều này từ lâu. Ít ai biết Mỹ từng bắt buộc dân đeo khẩu trang trong đại dịch cúm năm 1918.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN