Cụ thể, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho hay các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" nếu không tuân thủ các quy định thị trường, đi ngược lại quy tắc trong hợp đồng, hay phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại và gây hủy hoại nghiêm trọng quyền chính đáng và lợi ích của doanh nghiệp nước sở tại. Ông Cao Phong cho biết các biện pháp chi tiết sẽ được thông báo trong thời gian tới.
Theo giới quan sát, động thái trên của Bắc Kinh nhằm tạo sức ép lên các công ty nước ngoài khiến họ phải duy trì quan hệ thương mại với tập đoàn viễn thông Huawei của nước này.
Huawei đang trở thành một chủ đề nóng trong mối quan hệ thương mại phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Cách đây hai tuần, Chính phủ Mỹ đã đưa Huawei cùng 68 thực thể khác vào một "danh sách đen" nhằm cấm tập đoàn này mua linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho đến giữa tháng Tám tới nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.
Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên. Căng thẳng tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6 tới.