Siêu nhiên liệu JP-10 này dùng cho phi cơ quân sự có nhiều ưu điểm, như mật độ năng lượng cao, ổn định nhiệt tốt và điểm đóng băng thấp. Loại nhiên liệu này chủ yếu được dùng cho tên lửa hành trình, động cơ phản lực ramjet (động cơ khí nén) hoặc scramjet (động cơ nén khí siêu tốc) trên các máy bay thế hệ mới di chuyển ở tốc độ siêu thanh hoặc gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Các nhà khoa học tại Viện Vật lý Hoá học Đại Liên, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (tỉnh Liêu Ninh) dự đoán việc sử dụng công nghệ mới trong tương lai gần có thể giảm chi phí nhiên liệu xuống chỉ còn 2.547 USD/tấn, thấp hơn khoảng 60% so với chi phí trên 7.000 USD/tấn nhiên liệu động cơ máy bay quân sự hiện nay.
Theo tài liệu được Viện này công bố trên tạp chí chuyên ngành hoá học của Đức Angewandte Chemie hồi năm ngoái thì bí mật của họ nằm ở chất thải sinh học có giá rẻ.
Sử dụng chất thải lâm nghiệp và nông nghiệp bao gồm cám, trấu và bụi xay xát, Giáo sư Zhang Tao, Li Ning và các đồng nghiệp đã phát hiện ra một công nghệ hoá học mới có thể biến chất thải thành siêu nhiên liệu JP-10 trên quy mô sản xuất lớn với hiệu quả chưa từng thấy.
Trong khi đó, hiện tại, nhiên liệu siêu tên lửa được chế tạo từ các nguyên liệu như nhựa đường, dầu mỏ, và quá trình tổng hợp cực kỳ tốn kém cũng như không thân thiện với môi trường.
Xem video Trung Quốc thử thành công máy bay siêu thanh Sky-2 bay ở vận tốc 7.300km/h (Nguồn: CCTV).
Nhiên liệu JP-10 vi sinh có thể sản xuất bằng hai phương pháp: một bao gồm 6 bước phản ứng hoá học và cách thứ hai chỉ gồm 4 bước.
Các nhà khoa học cho hay kết hợp các phương pháp này trong công nghệ mới về chuyển hoá vi sinh quy mô công nghiệp, thì siêu nhiên liệu có thể được sản xuất số lượng lớn với giá thành chỉ tương đương với giá nhiên liệu dùng cho máy bay thương mại mà lại giảm bớt ảnh hưởng tới môi trường sống.
"Chúng tôi tin rằng việc thương mại hoá sản xuất nhiên liệu sinh học JP-10 trong tương lại sẽ rất hứa hẹn, đặc biệt khi có sự ủng hộ về chính sách và chương trình miễn phí thải khí CO2", các tác giả viết.
Ông Liu Huoxing, Giáo sư về năng lượng tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ ở Bắc Kinh, cho biết các ứng dụng dân sự của công nghệ bay siêu thanh lâu nay đối mặt với nhiều thách thức chưa được giải quyết trong đó có vấn đề giá nhiên liệu quá cao. Vị Giáo sư cho rằng nỗ lực giảm chi phí sản xuất nhiên liệu máy bay thường ít có hiệu quả đáng kể, vì thế công nghệ mới nói trên là một bước phát triển quan trọng.
Trung Quốc đang phát triển nhiều mẫu máy bay siêu thanh phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự. Một số nhằm mục đích vượt những hành trình xa như từ Thượng Hải đến Los Angeles chỉ trong vòng vài tiếng.