Sách Trắng mang tiêu đề "Phát triển giao thông bền vững tại Trung Quốc", được Văn phòng Thông tin Chính phủ nước này công bố nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về các thành quả của Trung Quốc trong lĩnh vực này và chia sẻ chiến lược và các hoạt động trong việc xây dựng một hệ thống giao thông bền vững.
Sau một chiến lược kết nối phát triển ngành giao thông với phát triển kinh tế và xã hội, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã biến đổi một lĩnh vực từng rất lạc hậu thành một mạng lưới hiện đại, giờ đang dẫn đầu thế giới về quy mô cơ sở hạ tầng giao thông. Đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã có hệ thống đường sắt dài tổng cộng 139.000 km, trong đó 35.000 km là đường sắt cao tốc, và tổng cộng hơn 5 triệu km đường quốc lộ, trong đó 150.000 km đường cao tốc. Hệ thống đường thủy nội địa dài 127.000 km và số sân bay dân sự đạt 238 sân bay.
Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ và đi đầu về công nghệ giao thông, đặc biệt là đường sắt ở vị trí rất cao và ở nhiệt độ cực thấp, có thể xây dựng trong các điều kiện địa lý khắc nghiệt như vùng đất đóng băng trên cao nguyên, đất đang đắp bồi, hoặc ở sa mạc.
Sách Trắng nêu rõ: "Hiện thế giới đang vấp phải nhiều thách thức từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và suy thoái kinh tế. Giao thông có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết các quốc gia với nhau và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn".
Ưu tiên cho giao thông trong các kế hoạch tương lai, Trung Quốc sẽ chuyển tập trung từ tốc độ và quy mô sang chất lượng và hiệu quả, từ các sáng kiến độc lập sang phát triển đa mô hình hội nhập, và từ các phương tiện truyền thống sang các lực lượng đổi mới. Sách Trắng nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống giao thông toàn diện hiện đại, an toàn, tiện nghi, hiệu quả, xanh và kinh tế, được trang bị các cơ sở, công nghệ, quản lý và dịch vụ tầm cỡ thế giới".