Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Mỹ 'sẵn sàng đối đầu'

Mỹ sẽ tiếp tục thách thức hành vi gây hấn của Trung Quốc, không chấp nhận việc Bắc Kinh kiểm soát khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, trong khi có tin nói Trung Quốc đã triển khai vũ khí trên 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng (trái phép) ở khu vực này.

Theo hãng tin RT (Nga) ngày 14/12, phát biểu tại Viện Lowy ở Sydney (Australia), Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) Harris tuyên bố Washington sẽ tiếp tục thách thức hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Ông Harris nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép vùng biển chung này bị kiểm soát một cách đơn phương, bất kể có bao nhiêu căn cứ được xây trên các thực thể nhân tạo ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ hợp tác ở nơi nào có thể và sẵn sàng đương đầu tại nơi chúng tôi phải làm”.

AMTI cho rằng các hình ảnh vệ tinh đã chứng minh Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: CSIS/AMTI

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc dường như đã triển khai các loại vũ khí, trong đó có những hệ thống chống tên lửa và chống máy bay trên tất cả các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng (trái phép) ở Biển Đông. 

Theo AMTI, việc triển khai trên diễn ra bất chấp tuyên bố của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên tuyến đường thương mại chiến lược trong khu vực. 

AMTI nêu rõ: "Những khẩu súng này và các hệ thống CIWS tiềm tàng cho thấy rằng Bắc Kinh coi trọng việc phòng thủ các đảo nhân tạo trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang bất ngờ ở Biển Đông. Chúng sẽ là phòng tuyến cuối cùng chống lại những tên lửa hành trình của Mỹ và các quốc gia khác".

AMTI cho biết thêm họ đã theo dõi việc xây dựng các cấu trúc hình lục giác trên Đá Chữ Thập, Vành Khăn, Subi trong quần đảo Trường Sa (các đảo bãi này thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp) từ tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Trung Quốc đã xây dựng các đường băng dài trên những bãi đá này.

Các hình ảnh vệ tinh về Đá Tư Nghĩa và Gaven (cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho thấy dường như là những khẩu súng phòng không và có thể là các hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) để chống lại các cuộc tấn công tên lửa hành trình. Những hình ảnh về Đá Chữ Thập cũng cho thấy các tòa tháp chứa radar chỉ thị mục tiêu.

Giám đốc AMTI Greg Poling cho biết tổ chức này đã nghiên cứu trong nhiều tháng về mục đích của những cấu trúc trên. Ông nói với hãng tin Reuters: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi tự tin nói rằng chúng là những hệ thống CIWS và chống máy bay. Chúng ta đã không biết rằng họ có những hệ thống lớn và hiện đại này ở đó. Đây là quân sự hóa. Trung Quốc có thể biện hộ rằng đó chỉ là vì mục đích phòng thủ, nhưng nếu bạn xây dựng những cứ điểm CIWS và súng chống máy bay khổng lồ, điều đó có nghĩa rằng bạn đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai”.

Giám đốc AMTI nhấn mạnh: “Họ (Trung Quốc) tiếp tục nói rằng họ không quân sự hóa, nhưng họ có thể triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa mặt (đất/biển) đối không ngày mai nếu họ muốn. Hiện nay, Trung Quốc có tất cả cơ sở hạ tầng để kết hợp phòng thủ và triển khai sức mạnh”.

Những diễn biến trên diễn ra giữa lúc Bắc Kinh phản ứng giận dữ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phá vỡ thông lệ của Mỹ bằng cuộc điện đàm trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn và cho thấy Washington có khả năng từ bỏ nguyên tắc “Một Trung Quốc” mà Mỹ vẫn duy trì lâu nay.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".
Công Thuận (tổng hợp)
Ấn Độ, Indonesia hối thúc Trung Quốc tôn trọng luật pháp ở Biển Đông
Ấn Độ, Indonesia hối thúc Trung Quốc tôn trọng luật pháp ở Biển Đông

Bất chấp việc có thể khiến Trung Quốc nổi giận, Ấn Độ và Indonesia đã lên tiếng yêu cầu nước này kiềm chế hoạt động quân sự tại những vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN