Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin vệ tinh Gaofen-13 được phóng vào sáng 12/10 với tên lửa Long March-3B (CZ-3B) từ trung tâm phóng vệ tinh Xichang tại tỉnh Tứ Xuyên.
“Sơ yếu lý lịch” của vệ tinh Gaofen
“Gaofen” là viết tắt của tiếng Trung Quốc cho “phân giải cao”. Vệ tinh này thuộc chương trình Vệ tinh quan sát Trái Đất phân giải cao mà Trung Quốc đã khởi động từ năm 2010 và đã thực hiện trên 20 vụ phóng vệ tinh, một nửa trong số này được đưa lên quỹ đạo trong 2 năm qua.
Những vệ tinh này chụp lại ảnh về Trái Đất để sử dụng cho mục đích dân sự bao gồm giám sát môi trường, ô nhiễm, ước tính sản lượng nông nghiệp, dự báo thời tiết và thăm dò khoáng sản.
Nhưng Trung Quốc cũng sử dụng vệ tinh này cho mục đích quân sự. Trong tháng 9, Trung Quốc đã tung video do vệ tinh Gaofen-3 ghi lại theo dõi hành trình của chiến đấu cơ được cho là F-22 của Mỹ.
Chiến đấu cơ tàng hình có thể tránh được radar nhưng lại không qua mặt được vệ tinh có camera độ phân giải cao, trang bị trí thông minh nhân tạo.
Kế hoạch tiếp theo của Trung Quốc
Trung Quốc coi lĩnh vực vũ trụ quan trọng với cả an ninh quốc gia và phát triển công nghệ. Mỹ không đồng ý để Trung Quốc tham gia vào các chương trình vũ trụ của nước này do vậy Bắc Kinh buộc phải “tự cung tự cấp”.
Ở thời điểm quan hệ với Mỹ xấu đi trong vài năm gần đây, cạnh tranh lĩnh vực vũ trụ giữa Bắc Kinh và Washington đã tăng cường.
Khi Mỹ thành lập Lực lượng Vũ trụ vào tháng 12/2019 thì Trung Quốc cũng gia tăng các chương trình trên không gian. Mùa hè năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều hướng đến sao Hỏa khi Tianwen-1 của Trung Quốc và tàu thăm dò Perseverance thuộc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) được phóng cách nhau đúng một tuần.