Bệnh viện này chuyên điều trị các bệnh liên quan đến thận. Theo Reuters (Anh), đây còn là công trình lấy lại hình ảnh của Trung Quốc tại Sri Lanka bởi người dân nơi đây lo ngại nhiều dự án quy mô sẽ khiến Colombo lún sâu vào "bẫy nợ" từ Bắc Kinh.
Một đài phát thanh Trung Quốc cũng đưa tin bằng tiếng Sri Lanka về các chương trình xã hội, kinh tế được Bắc Kinh hỗ trợ.
Trung Quốc đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD vào Sri Lanka, trong đó gồm 8 tỷ USD thuộc dạng cho vay liên quan tới sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Các công ty Trung Quốc tuyển hành nghìn lao động địa phương, để xây dựng đường cao tốc, cảng biển khổng lồ cùng nhà máy năng lượng quy mô lớn.
Tuy nhiên, nhiều chính khách và cả người dân Sri Lanka đã lên tiếng chỉ trích những dự án này. Một ví dụ là nhá máy nhiệt điện than 900 MW do Trung Quốc xây tại Puttalam khiến nhiều người dân phàn nàn về tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Cheng Xueyuan hồi tháng 10 từng lên tiếng: “Chúng tôi hy vọng các công ty Trung Quốc qua đóng góp tài chính và hợp tác có thể giúp ích cho người dân Sri Lanka”.
Ông Gotabaya Rajapaksa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây của Sri Lanka. Tại buổi tuyên thệ nhậm chức, ông Rajapaksa tuyên bố: “Chúng tôi muốn duy trì sự trung lập trong quan hệ đối ngoại và không liên quan đến bất cứ xung đột nào giữa các cường quốc trên thế giới”.
Reuters cho biết Ấn Độ đã để mắt đến việc Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Sri Lanka. Ấn Độ luôn lo lắng về kịch bản liên quan tới cảng biển Hambantota ở Sri Lanka, nơi giúp Trung Quốc đặt một chân vào khu vực chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc vốn "nhiệt tình" đầu tư cho các cảng biển và công trình xây dựng tại Sri Lanka – quốc gia Nam Á giữ vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.
Chính quyền tiền nhiệm tại Sri Lanka đã vay Trung Quốc hàng tỉ USD dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có cảng biển Hambantota. Do không có khả năng trả hết nợ, vào năm 2017, Sri Lanka đã chấp thuận cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo Sri Lanka về số nợ lớn của nước này. Còn Trung Quốc vẫn duy trì “đà cho vay” đối với Colombo.
Dự án lớn khác mà Trung Quốc muốn đầu tư phát triển bao gồm đường cao tốc nối thủ đô Colombo với đô thị trung tâm Kandy trị giá 1 tỷ USD và một số nhà máy lọc dầu. Trung Quốc còn trong quá trình hoàn thiện hai nhà máy nước ở khu vực thường khô hạn tại Sri Lanka. Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc đang xây dựng thành phố cảng 1,4 tỷ USD với nhiều khách sạn, đường đua xe...
Trước đó, tháng 5/2019, Sri Lanka đã ký thỏa thuận với Ấn Độ và Nhật Bản về việc phát triển một cảng biển container ở nước này. Thông tin trên báo The Hindu nói rõ 3 nước đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác phát triển Cảng container phía Đông (ECT) thuộc Cảng Colombo hôm 28/5. Theo đó, Công ty vận hành cảng (TOC) - liên doanh của 3 nước trên - sẽ sở hữu 49% cổ phần và chịu trách nhiệm vận hành cảng ECT. Với 51% cổ phần còn lại, Cơ quan Cảng vụ Sri Lanka (SLPA) sẽ kiểm soát hoàn toàn cảng này.