Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể thu được lợi thế cạnh tranh khi từ ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu đến Hàn Quốc ba vật liệu được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại và vi mạch.
Tổng thống Moon Jae-in sau đó cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể thực hiện những biện pháp trả đũa cần thiết. Một đơn thỉnh cầu được đăng trên trang web của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) ngày 1/7 đề nghị người dân Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản.
Lệnh cấm của Nhật Bản không chỉ gây khó khăn cho các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung hay LG mà còn cả với chính những công ty Nhật Bản bởi họ phải tìm khách hàng mới.
Nhiều nhà phân tích cho rằng một trong những biện pháp đáp trả của Hàn Quốc có thể là cấm xuất khẩu màn hình OLED tới Nhật Bản – điều này dự kiến có thể tác động mạnh đến các sản phẩm tivi cao cấp của Nhật Bản.
Ba vật liệu Nhật Bản cấm xuất khẩu là fluorinated polyimide, hydrogen fluoride và chất cản màu dùng trong điện thoại thông minh, chất bán dẫn… Các công ty Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Nhật Bản đối với 3 vật liệu này. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, tính riêng trong tháng 5, có 94% chất fluorinated polyamide và 92% chất cản màu Hàn Quốc nhập khẩu đều bắt nguồn từ Nhật Bản.
Tuy nhiên sự phụ thuộc này không chỉ có một chiều, ông Ryo Hinata-Yamaguchi tại Đại học Pusan (Hàn Quốc) cho biết đối đầu thương mại giữa Tokyo và Seoul có thể gây tổn hại cho cả hai quốc gia.
Ông Hinata-Yamaguchi nói: “Nhật Bản là nguồn cung cấp chất hóa học và công nghệ sản xuất quan trọng với công nghiệp Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Nhật Bản”.
Ông June Park tại Đại học George Mason (Hàn Quốc) bổ sung rằng các công ty Hàn Quốc thường mua vật liệu từ Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn sau đó lại bán lại sản phẩm hoàn thiện cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Về phía Trung Quốc, cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đã khiến nước này tập trung phát triển công nghiệp vi mạch, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Theo kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc dự định đến năm 2020 tự sản xuất 40% chất bán dẫn và đến năm 2025 là 70%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sản lượng chất bán dẫn của Trung Quốc còn có thể tăng mạnh hơn khi căng thẳng thương mại Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và như vậy doanh nghiệp của Trung Quốc có thể ra mặt để lấp chỗ trống.
Ngoài vấn đề kinh tế, Trung Quốc cũng giành được lợi thế từ địa chính trị. Ông Ryo Hinata-Yamaguchi đánh giá: “Về địa chính trị, mối quan hệ tiêu cực giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc bởi Bắc Kinh luôn nhạy cảm rằng mối quan hệ thân thiết giữa Seoul và Tokyo có thể biến thành đồng minh”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Bắc Kinh luôn lo ngại quan hệ 3 bên giữa Washington, Tokyo và Seoul có thể biến thành liên minh có mục tiêu đối trọng với Bắc Kinh.
Ông Hinata-Yamaguchi kết luận: “Việc Trung Quốc thu được lợi ích gì từ đối đầu thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đều phụ thuộc vào mức độ mối quan hệ giữa hai quốc gia này xấu đi đến đâu”.