Trung Quốc mất ngôi vị nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, báo hiệu kinh tế toàn cầu thay đổi

Xu thế này báo hiệu giai đoạn tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa tập trung vào các mạng lưới khu vực.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo một bài đăng mới của ông Luis Torres - một nhà kinh tế kinh doanh cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas (Mỹ), Mexico một lần nữa củng cố vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, với 263 tỷ USD hàng hóa được giao dịch giữa hai nước trong 4 tháng đầu năm nay. Thương mại với Mexico chiếm 15,4% hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ, vượt xa tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với Canada và Trung Quốc, lần lượt là 15,2% và 12%.

Giới kinh tế nhận định khả năng Mexico giành lấy vị trí hàng đầu từ tay Trung Quốc - quốc gia đã dành hai thập kỷ qua để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế Mỹ - là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cách mà tình trạng hỗn loạn kinh tế năm 2020 sẽ tiếp tục định hình nền kinh tế thế giới trong nhiều năm tới.

Nhà kinh tế Torres cho biết hạt giống cho sự thay đổi này đã được gieo từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, khi cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc và ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Canada-Mexico, một bản cập nhật của thỏa thuận NAFTA đã tồn tại gần ba thập kỷ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng những thay đổi này cũng ám chỉ một sự chuyển đổi nhanh chóng sang phương thức tìm kiếm gần, trong đó các quốc gia cung cấp chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng đến các quốc gia gần gũi về địa lý và chính trị.

Hoạt động tìm kiếm gần tăng lên trong thời kỳ đại dịch COVID-19 do chi phí vận chuyển hàng hoá qua Thái Bình Dương tăng lên và nhu cầu của người tiêu dùng về thời gian giao hàng nhanh hơn. Hiện tượng này được gọi là "Hiệu ứng Amazon Prime".

Nhà kinh tế Peter S. Goodman của tờ New York Times cũng đã có một bài viết hồi đầu năm nay rằng các công ty như Walmart đang ngày càng tìm nguồn hàng gần hơn để tìm cách đáp ứng nhu cầu khi căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Michael Burns, một đối tác quản lý tại Murray Hill Group, một công ty đầu tư tập trung vào chuỗi cung ứng, lý giải: “Đó không phải là tình trạng phi toàn cầu hóa. Đây là giai đoạn tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa tập trung vào các mạng lưới khu vực”.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi chứng kiến rạn nứt gia tăng, bao gồm vụ bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc vào tháng Hai. Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6 và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây đã có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc.

Trong chuyến công du tháng 6, Ngoại trưởng Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết ổn định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, nữ Bộ trưởng Yellen bày tỏ quan ngại về "các hoạt động kinh tế không công bằng" nhưng cho biết bà hy vọng hai bên có thể hợp tác chặt chẽ hơn vì "thế giới đủ lớn để cả hai nước chúng ta cùng phát triển”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực duy trì các kênh liên lạc mở
Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực duy trì các kênh liên lạc mở

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN