Điều chỉnh chính sách này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục phải đối diện với các ổ dịch bùng phát ở nhiều khu vực khác nhau trên cả nước. Trong vài tháng gần đây, các ổ dịch đáng chú ý gồm có ổ dịch tại Ruili, thuộc tỉnh Vân Nam, giáp ranh với Myanmar và ổ dịch tại Manzhouli ở vùng Nội Mông, giáp Mông Cổ và Nga.
Tâm dịch hiện nay là thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nhà chức trách cho rằng nguồn lây là từ một hành khách nhập cảnh đường hàng không từ Pakistan, sau đó lan ra sáu thành phố ở năm tỉnh trên cả nước. Trong tổng số 152 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ngày 28/12, có đến 151 ca là ở Tây An.
Theo thông tin được lưu hành nội bộ tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), NHC đầu tháng này đã yêu cầu chính quyền địa phương có hoạt động giao thương biên giới cần thành lập các vùng đệm. Đối với các trung tâm vận chuyển hàng không, nhà chức trách khuyến cáo tăng cường biện pháp giám sát, sàng lọc tại sân bay, tăng cường quy trình vệ sinh với các khu vực thuộc chuỗi sản xuất, lưu kho lạnh.
Theo Liang Wannian, cựu quan chức NHC và hiện là người đứng đầu nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về phòng chống COVID-19, nhịp sống tại các vùng đệm này vẫn diễn ra bình thường, miễn là không có ca mắc COVID-19. Nếu phát hiện ca nhiễm, các biện pháp như sàng lọc, truy vết sẽ được triển khai ở các khu vực mục tiêu cụ thể trong vùng đệm.
“Các chốt gác sẽ được thiết lập ở vùng đệm, đơn cử như tại các khu làng gần các tuyến đường dọc biên giới. Người dân không được phép vượt khỏi các khu vực này trừ khi thực sự cần thiết. Chính quyền sẽ định ra các yêu cầu cụ thể đối với trường hợp được phép rời khỏi vùng đệm”, ông Liang nói. Ngược lại, các điểm không thuộc phạm vi giới hạn vùng đệm sẽ không phải chịu những quy định này, từ đó cho phép hoạt động kinh tế được duy trì, phục hồi nhanh hơn.