Các loại hình kinh doanh tạm dừng hoạt động, xét nghiệm hàng loạt được đẩy mạnh và công tác truy vết được khẩn trương tiến hành. Các biện pháp này bổ sung vào chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19 (zero-COVID) mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Trong hầu hết các trường hợp, các đợt bùng phát đã được khống chế chỉ trong vòng 1 tháng nhưng với biến thể siêu lây nhiễm Omicron có thể lại là một câu chuyện khác, trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Cho đến nay, Trung Quốc đã báo cáo 9 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca bị nhiễm do một người đàn ông trở về từ Canada.
Ủy ban Y tế quốc gia cam kết kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới trên bộ, trên biển với các biện pháp bao gồm xét nghiệm thường xuyên hơn và kéo dài thời gian cách ly. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Omicron và mặc dù chiến lược “zero-COVID” vẫn có thể phát huy hiệu quả song vẫn cần phải khắc phục các thiếu sót và phân bổ nguồn lực để đáp ứng thách thức lớn hơn.
Hồi đầu tháng này, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã dự đoán về các đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Thế vận hội mùa Đông sắp tới nhưng họ tự tin về khả năng kiểm soát số ca mắc với chiến lược “vòng tròn khép kín”. “Vòng tròn khép kín” có nghĩa là những người tham dự, trong đó có các vận động viên và quan khách nước ngoài, sẽ được áp dụng quy định kiểm soát dịch bệnh khép kín từ khi đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh cho đến khi rời khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giáo sư Kwok Kin-on, nhà dịch tễ học y tế cộng đồng tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định việc hạn chế sự lây lan biến thể Omicron sẽ là thách thức rất lớn. Việc tổ chức Thế vận hội mùa Đông đồng nghĩa với việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế ở biên giới khi hàng nghìn vận động viên và quan chức tham dự Olympic có thể nhập cảnh vào Trung Quốc mà không cần cách ly nếu đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản. Trong khi đó, mũi vaccine tăng cường được khuyến khích nhưng không bắt buộc. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm đủ liều cơ bản không đủ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm biến thể Omicron.
Giáo sư Jin Dong-yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo các đợt bùng phát gần đây cho thấy biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới là không vững chắc và Trung Quốc vẫn có nguy cơ bùng phát dịch lớn. Một phần của vấn đề là các ca mắc không được sớm phát hiện, thậm chí là khá muộn. Giáo sư này viện dẫn các đợt bùng phát gần đây ở Trung Quốc, như tỉnh Chiết Giang và ở Nội Mông, đã được phát hiện khi hàng chục người đã bị nhiễm bệnh, khiến công tác truy tìm nguồn gốc lây nhiễm gặp khó khăn. Ông cho biết việc phát hiện các ca bệnh muộn hơn có thể đồng nghĩa với đợt bùng phát dịch kéo dài hàng tháng. Điều này có thể lặp đi lặp lại, đặt ra thách thức đối với chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19.
Giáo sư Kwok Kin-on, nhà dịch tễ học y tế cộng đồng tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định việc biến thể Omicron lây lan mạnh đồng nghĩa giới chức y tế Trung Quốc cần phải phản ứng và dành nhiều nguồn lực hơn nữa để ngăn chặn dịch lây lan. Khả năng lây truyền cao của Omicron dẫn đến số ca mắc tăng gấp đôi trong khoảng 2 đến 3 ngày, đặt ra một vấn đề lớn cho công tác truy vết, khiến nhà chức trách sẽ mất nhiều thời gian để khống chế dịch.
Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là việc tiêm chủng. Khoảng 85% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chưa được đánh giá cho thấy các loại vaccine bất hoạt, được Trung Quốc sản xuất và sử dụng chủ yếu, có thể ít có khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron. Ông Jerome Kim, người đứng đầu Viện Vaccine quốc tế, nhận định việc tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết để ngăn dịch lây lan, cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm, nhập viện và tử vong.
Về mặt y tế cộng đồng và các biện pháp xã hội, Giáo sư tâm lý xã hội John Drury tại Đại học Sussex (Anh) nhận định sự xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn như Omicron có thể khiến người dân nâng cao cảnh giác và tiếp tục tuân theo những quy tắc phòng dịch cần thiết. Theo Giáo sư này, nhận thức của công chúng về mối đe dọa là một trong những yếu tố dự báo chính về việc tuân thủ các biện pháp chống dịch kể từ khi đại dịch bùng phát. Tâm lý sợ hãi và lo lắng cho những người thân trong gia đình, những người dễ bị tổn thương hay cả cộng đồng, không chỉ cho bản thân mình, sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và đoàn kết chống dịch của mỗi người dân.