Trung Quốc kêu gọi SCO đoàn kết hơn nữa để ổn định khu vực

Trong bài trả lời phỏng vấn viết gửi cơ quan báo chí các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trước thềm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 12 ở Bắc Kinh ngày 6/6, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi các nước thành viên tổ chức này đoàn kết hơn nữa để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.

 

Ông Hồ Cẩm Đào cho rằng nhiều nhân tố, như các vấn đề điểm nóng khu vực, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố, li khai, cực đoan, hay buôn ma túy và tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, đã đặt ra mối đe dọa đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực này. Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh để đối phó với những thách thức an ninh, các thành viên SCO cần tiếp tục tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa và nguy cơ, "tự kiểm soát các vấn đề khu vực" và đóng vai trò lớn hơn trong việc tái thiết hòa bình ở Ápganixtan. Ông cho biết SCO sẽ thành lập một hệ thống được cải tiến về hợp tác an ninh, đồng thời tăng cường khả năng của các nước để ngăn chặn và kiểm soát các cuộc khủng hoảng. Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh SCO cần tăng cường thông tin và hợp tác về các vấn đề quan trọng của thế giới và khu vực để đảm bảo an ninh chung và lợi ích phát triển của các nước thành viên. Ông cũng hoan nghênh những thành tựu mà SCO đạt được trong hơn 10 năm qua và cho rằng các nước này vẫn cần đóng góp nhiều hơn nữa để thúc đẩy phát triển trong khu vực. SCO đã thành lập được một hình mẫu quan hệ xuyên quốc gia mới với những cam kết phát triển sự hợp tác thân thiện, láng giềng tốt nhằm đưa sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau lên một tầm cao mới.

 

Ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ đón ở Bắc Kinh, ngày 5/6.

 

Về hội nghị thượng đỉnh lần này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết các nước SCO sẽ xem xét đưa ra những chính sách lâu dài để duy trì hòa bình, phát triển và hợp tác cho phù hợp với tình hình mới. Một trong những chủ đề quan trọng nhất tại hội nghị là nghiên cứu các biện pháp để củng cố hơn nữa sự hợp tác và tình hữu nghị giữa các nước thành viên. Ngoài ra, ông cho biết vận tải cũng là một chủ đề ưu tiên mà SCO cần hợp tác phát triển, trong đó SCO đang xem xét một thỏa thuận giúp giao thông xuyên quốc gia trở nên thuận tiện hơn. Những quy định của SCO liên quan đến các phản ứng chính trị và ngoại giao đối với các sự kiện có thể gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định sẽ được hoàn thiện tại hội nghị và một chương trình hợp tác về chống khủng bố, chủ nghĩa li khai và cực đoan giai đoạn 2013-2015 dự kiến cũng được thông qua tại hội nghị.

 

Lãnh đạo các nước thành viên và quan sát viên SCO đã đến Trung Quốc để dự Hội nghị dự kiến diễn ra trong 2 ngày 6-7/6 với chủ đề chính là về vấn đề an ninh ở Trung Á, trong đó có tình hình Ápganixtan. Trong bài viết đăng trên tờ "Nhân dân nhật báo" của Trung Quốc, Tổng thống Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) cho rằng sự ổn định của Ápganixtan là "vấn đề quan tâm chung". Ông nêu rõ Nga ủng hộ kết nạp Ápganixtan, hiện tham gia với tư cách khách mời, làm quan sát viên của SCO. Ngoài ra, Tổng thống Nga còn kêu gọi phát huy hơn nữa tiềm năng của SCO, tổ chức vốn đã giành được uy tín nhất định trên trường quốc tế, cũng như góp phần đáng kể định hình những nét mới và mang lại nhiều lợi ích trong các chính sách quốc tế, trước hết trong việc xây dựng các mô hình quan hệ đối tác. Theo ông, các nước thành viên cần chú trọng hợp tác trước hết trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là thông tin truyền thông. Một tiềm năng đáng kể khác của tăng cường hợp tác trong khuôn khổ SCO chính là phát triển các quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp và tập đoàn của các nước thành viên. Ông Putin cũng khẳng định ngoài việc phát triển kinh tế thế giới, SCO còn góp phần đáng kể trong việc hạn chế chủ nghĩa khủng bố và bảo đảm an ninh khu vực.

 

SCO được thành lập ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 15/6/2001 và ngoài 6 nước thành viên hiện nay gồm Nga, Trung Quốc, Cadắcxtan, Udơbêkixtan, Cưrơgưxtan, Tátgikixtan, còn có 4 nước quan sát viên gồm Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakixtan.

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN