Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh đã nhận thấy những tiến triển gần đây trong vấn đề Triều Tiên. Là một quốc gia láng giềng gần gũi, Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ những bước đi tích cực của Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm xoa dịu quan hệ song phương.
Trung Quốc hy vọng cộng đồng quốc tế cũng sẽ ủng hộ và nỗ lực tìm kiếm hướng đi giảm nhiệt căng thẳng, thúc đẩy lòng tin giữa các bên và nối lại đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Theo ông Cảnh Sảng, Bắc Kinh kêu gọi các bên liên quan quay trở lại bàn đối thoại trong bối cảnh tình hình phức tạp, hành động một cách có trách nhiệm và nắm bắt các tín hiệu tích cực để đưa tình hình quay trở lại đúng hướng là tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Trước đó, Triều Tiên đã thông báo chấp nhận đề xuất đàm phán cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 9/1 tới tại làng đình chiến Panmunjom.
Nội dung của cuộc đối thoại cấp cao lần này sẽ là bàn về đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng tới. Cuộc đối thoại cấp cao sắp tới sẽ là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái. Lần gần nhất hai bên đã tổ chức cuộc đối thoại là vào tháng 12/2015.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ giới hạn xuất khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu tinh luyện, thép và các kim loại khác sang Triều Tiên, theo đúng các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc liên quan tới các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Quyết định này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 6/1 tới.
Liên quan tới tình hình Triều Tiên, ngày 5/1, Đức cho rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Seoul và Bình Nhưỡng có thể giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo phó phát ngôn viên của Chính phủ Đức Ulrike Demmer, điều này sẽ chỉ khả thi nếu chính quyền Bình Nhưỡng "kiềm chế các hành vi khiêu khích và chấm dứt những vụ thử hạt nhân và tên lửa, vốn vi phạm luật pháp quốc tế”.