Trong một tuyên bố đưa ra cuối tuần vừa qua, Hiệp hội ngành thịt của Trung Quốc đề nghị các nhà xuất khẩu từ các nước có dịch COVID-19 cần tiến hành khử khuẩn bên ngoài bao bì hàng hóa và bên trong các container chứa hàng trước khi niêm phong hàng xuất khẩu. Biện pháp này nhằm bảo đảm an toàn cho thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng này.
Theo người phát ngôn Gao Guan của hiệp hội trên, Trung Quốc nhập khẩu một số lượng lớn thịt trong năm nay và đã nhiều lần phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói thịt đông lạnh. Người phát ngôn này cho rằng cần kiểm soát virus từ nơi xuất xứ và thực hiện khử khuẩn tại nơi sản xuất, như vậy giá thành sẽ rẻ hơn và hiệu quả cao hơn.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi một số nhà xuất khẩu, trong đó có tập đoàn JBS (Brazil), bắt đầu tiến hành các biện pháp khử khuẩn trên diện rộng đối với hàng hóa và khu vực kho bãi. Đan Mạch và Tây Ban Nha nằm trong số các nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu cho thị trường Trung Quốc. Hiện các tàu hàng của hai nước này đang bị cấm vào Trung Quốc do một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 9 vừa qua. Nhà chức trách các nước này đang tiếp tục đối thoại với phía Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng không cần lo ngại về an toàn thực phẩm và bao bì thực phẩm trong giai đoạn đại dịch này, song các quan chức Trung Quốc khẳng định vẫn có rủi ro trong khâu vận chuyển. Theo Hiệp hội, các trường hợp được báo cáo cho thấy việc tiếp xúc với bao bì nhiễm virus có thể dẫn đến lây nhiễm ở người.
Trung Quốc đã tăng cường công tác khử khuẩn và kiểm tra virus đối với thực phẩm đông lạnh sau khi phát hiện virus SARS-CoV-2 trong các sản phẩm và bao bì hàng nhập khẩu. Các biện pháp này đã đẩy cao giá thành hàng hóa, cản trở giao thương và khiến các nhà xuất khẩu lớn bất bình. Ông Gao nhấn mạnh loại virus lần này hoàn toàn mới, thế giới vẫn đang đúc rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống virus, các bên cần ngồi lại với nhau để bàn giải pháp khoa học và hiệu quả nhất với giá thành thấp nhất để vừa bảo đảm sức khỏe cộng đồng, vừa bảo đảm lợi ích thương mại.