Trong tám tháng tính từ đầu năm 2019, Anh xuất khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn sang Trung Quốc, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất của Anh.
Tulip – nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất của Anh - thu về hơn 1 tỷ bảng Anh (1,34 tỷ USD) doanh thu mỗi năm. Tulip chủ yếu xuất khẩu thủ lợn, chân giò và nội tạng lợn sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, hãng còn xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới này thịt ba chỉ, thịt thăn và vai lợn.
Giám đốc phụ trách nông nghiệp của Tulip Andrew Saunders ngày 13/12 vừa qua trong một thư điện tử gửi đến CNBC cho biết doanh thu của các lò mổ xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc mỗi năm tăng khoảng 80%. Thị trường Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu với mặt hàng thịt lợn kể từ tháng 8/2018 và ASF khiến sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc giảm 25%. Ông dự đoán xu hướng giá thịt lợn tăng sẽ tiếp diễn cho đến năm 2020.
Theo dự báo của công ty tư vấn Gira cung cấp cho ngành công nghiệp thịt lợn Mỹ, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2022, trước khi giảm theo sau sự hồi phục hoạt động chăn nuôi. Báo cáo lưu ý lượng thịt lợn nhập khẩu sẽ duy trì ở mức cao đến năm 2025, song giá sẽ giảm. Sự bùng phát ASF đã giết chết một nửa đàn lợn của Trung Quốc kể từ tháng 8/2018 và đẩy giá thịt lợn tại nước này lên mức cao kỷ lục.
Theo Gira, Trung Quốc có khả năng phục hồi sau ASF vào năm 2027, nhưng sản lượng sẽ giảm hơn 13% so với thời điểm trước khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trong năm 2018. Ngoài ra, Gira còn dự báo giá thịt lợn cao sẽ làm thay đổi chế độ ăn của người Trung Quốc trong thời gian dài, với việc một số người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gà với mức giá rẻ hơn.
Báo cáo của Gira dự báo đến năm 2040, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm trở lại mức của năm 2017-2018.