Không chỉ bởi giá cả đã tăng gấp đôi năm ngoái do ảnh hưởng từ giá thịt lợn leo thang, mà ông thậm chí còn không dám chắc ông có mua đủ lượng thịt cần thiết để nấu món cơm sườn trứ danh hay không. “Tôi lo lắng không biết mình còn có thể mua thịt lợn trong bao lâu nữa. Nếu không mua được thịt, tôi sẽ phải đóng cửa hàng”, ông Cao chia sẻ với hãng tin Reuters.
Giá thịt ở Trung Quốc đã phi mã sau khi dịch bệnh tả lợn châu Phi xóa sổ gần một nửa đàn lợn ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, khiến nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trung Quốc tiêu thụ 13,5 triệu tấn thịt mỗi năm, nhiều hơn cả sản lượng thịt của nước Mỹ. Với việc thịt lợn là loại thịt phổ biến nhất trong mâm cơm của người Trung Quốc, lạm phát thực phẩm đang ở mức cao nhất trong gần 8 năm qua, gây bất ngờ cho cả các nhà kinh tế học lẫn giới kinh doanh nhà hàng.
Nhà phân tích Lu Ting cùng đồng nghiệp tại Ngân hàng Nhật Bản Nomura hồi tháng 10 báo cáo rằng: “Năm qua, cả chúng tôi và thị trường đều đánh giá thấp tốc độ lạm phát giá thịt lợn”. Họ cho biết sẽ thay đổi dự báo lạm phát trong năm tới.
Giá thịt lợn leo thang đang tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Giá bán lẻ thịt gà tăng 33% so với năm 2018 do mặt hàng này đã trở thành lựa chọn thay thế cho thịt lợn trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa với việc chuỗi gà rán KFC phổ biến ở Trung Quốc cũng đang cảm thấy sức nóng.
KFC đã quản lý tình trạng tăng giá bằng cách bắt các nhà cung cấp phải chịu phần lớn khoản chênh, giữ lạm phát dưới 10%. Bên cạnh đó, hãng thức ăn nhanh này cũng tăng số món không phải thịt gà trong thực đơn, ví như thêm món cuốn thịt vịt và bánh kẹp nấm. Vịt là loại thịt rẻ nhất ở Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, KFC cũng sử dụng những phần thịt gà rẻ hơn, thay thế cánh gà bằng thịt ức hoặc phần đầu cánh. Mặc dù có ít da, xương và thịt hơn phần cánh giữa, đầu cánh chiên giòn vẫn thu hút được khách hàng.
Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ trong ngành ẩm thực trị giá 568 tỷ USD của Trung Quốc chẳng có mấy lựa chọn để đối phó với cuộc khủng hoảng giá cả và nguồn cung hiện nay.
Mặc dù mức nhập khẩu thịt đã tăng trong năm nay, 3 triệu tấn thịt lợn từ thị trường nước ngoài vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước. Bắc Kinh chỉ còn một lượng nhỏ thịt đông lạnh trong kho dự trữ quốc gia.
“Tác động với chúng tôi là rất lớn. Chúng tôi bán sườn. Với chúng tôi không có cách nào để thay thế sườn cả”, ông Cao Xinli nói.
Tuy vậy, các chủ nhà hàng khác đã phải chật vật để giữ chân khách hàng trong thời buổi giá cả tăng từng ngày. Xishaoye, chuỗi nhà hàng có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên phục vụ món bánh thịt heo roujiamo truyền thống, đã tiếp tục hạ giá bán sau một đợt đột ngột giảm sức mua.
“Đây là một thị trường có tính cạnh tranh cao, bạn không thể tăng giá nhiều”, bà Lina Yan, nhà phân tích tiêu dùng tại HSBC cho biết. Xishaoye đã phải “xuất chiêu” quảng cáo món bánh kẹp từ thịt gà và rau để thay thế roujiamo truyền thống, đồng thời tung ra thực đơn mới không có thịt lợn để “đánh lạc hướng” khách hàng khỏi món ăn đặc trưng nhất của cửa hàng.
“Chiêu” này đã giúp giảm một nửa lượng tiêu thụ thịt lợn tại 43 nhà hàng trong chuỗi Xishaoye. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Xishaoye Meng Bing cho biết họ vẫn sẽ lỗ trên 6 triệu Nhân dân tệ (hay 19 tỷ đồng) trong năm nay.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã kêu gọi người nông dân tái đàn gia súc, gia cầm, đồng thời yêu cầu chính quyền dịa phương phải làm mọi biện pháp có thể đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đặc biệt trước thềm Tết Nguyên đán vào tháng tới.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết sản lượng chăn nuôi lợn sẽ hồi phục khoảng 80% mức bình thường vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá dự báo trên quá lạc quan, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn còn lan rộng.