Trung Quốc đề xuất 5 điểm trong vấn đề hạt nhân Iran

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra đề xuất gồm 5 điểm trong vấn đề hạt nhân Iran tại họp báo sau cuộc hội đàm đầu tiên cấp ngoại trưởng giữa Iran với 5 nước còn lại tham gia thỏa thuận (Pháp, Đức, Nga, Anh, Trung Quốc), tại thủ đô Vienna của Áo, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA.

Cách tiếp cận gồm 5 điểm trong vấn đề hạt nhân Iran được đề xuất gồm: Tuân thủ các quy tắc quốc tế; thực hiện nghiêm túc Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA); duy trì sự ổn định ở Trung Đông; loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương; chú trọng đối thoại và tham vấn.

Theo ông Vương Nghị, các bên tham gia cuộc họp nói trên đã cam kết tiếp tục tuân thủ và thực hiện JCPOA, ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc cùng với Đức), phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế và bảo vệ một cách hiệu quả cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc gặp song phương bên lề cuộc họp trên, ông Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran, bảo vệ các quy tắc quốc tế và lợi ích hợp pháp của tất cả các nước.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên cũng cam kết rằng Trung Quốc và Nga sẽ cùng chung nỗ lực để cuộc họp cấp bộ trưởng ở Vienna có thể "gửi đi một tín hiệu chính trị rõ ràng và đạt được những kết quả mang tính xây dựng".

Trong diễn biến liên quan, hãng tin IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 7/7 cho biết Tehran đã triệu Đại sứ Hà Lan tới để phản đối việc trục xuất 2 nhà ngoại giao Iran tại Hà Lan.

Ông Bahram Qasemi cho rằng quyết định trục xuất 2 nhân viên Đại sứ quán Iran nói trên là "không thân thiện, không có tính xây dựng", đồng thời nhấn mạnh rằng Iran có quyền tiến hành các biện pháp "có đi có lại".

Cùng ngày, trợ lý Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Moayyed Hosseini Sadr cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ làm suy yếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo ông Moayyed Hosseini Sadr, dầu mỏ của Iran sẽ không mất khách vì nhiều công ty đang mua dầu mỏ của nước này. Nếu Mỹ vẫn duy trì áp lực cấm bán dầu thô của Iran, điều này sẽ phá vỡ những kế hoạch của OPEC vì Iran sản xuất 5% sản lượng dầu mỏ toàn thế giới.

Trong khi đó, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Tehran ngày 7/7 đã phủ nhận việc nước này ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Iran.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Tehran nêu rõ: "Đại sứ quán của Hàn Quốc phủ nhận bất cứ thông tin nào cho rằng Hàn Quốc sẽ không nhập khí ngưng tụ và dầu thô của Iran trong tháng 7. Chính Phủ Hàn Quốc đang đàm phán với Mỹ nhằm được miễn trừ khỏi những hạn chế về việc mua dầu của Iran".

Trước đó, ngày 6/7, truyền thông phương Tây cho hay Hàn Quốc sẽ không nhập khí ngưng tụ và dầu thô của Iran trong tháng 7, theo đó lần đầu tiên trong 6 năm dừng tất cả các chuyến hàng nhập của Iran, giữa lúc Mỹ gây sức ép nhằm cắt tất cả các mặt hàng dầu nhập khẩu của Iran từ tháng 11.

Từ ngày 21/3 đến nay, Hàn Quốc đã mua gần 296.000 thùng dầu từ Iran, và là nước nhập khẩu dầu nhiều nhất của Iran sau Trung Quốc và Ấn Độ.

TTXVN/Báo Tin tức
Vấn đề hạt nhân Iran: EU nhất trí về cách tiếp cận chung đối với JCPOA
Vấn đề hạt nhân Iran: EU nhất trí về cách tiếp cận chung đối với JCPOA

Các nhà lãnh đạo EU nêu rõ sẽ luôn ủng hộ JCPOA nếu như Iran tôn trọng thỏa thuận này. EU cũng nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA và trừng phạt Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN