Trung Quốc đặt mục tiêu đến tháng 7/2021 tiêm vaccine cho 40% dân số

Ngày 2/3, chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn, thông báo nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 năm nay tiêm phòng bệnh COVID-19 cho 40% dân số. 

Trước đó một ngày, tại diễn đàn trực tuyến do Đại học Thanh Hoa và Viện Brookings có trụ sở ở Washington (Mỹ) phối hợp tổ chức, ông Chung Nam Sơn cho biết tỷ lệ tiêm vaccine trên 100 dân ở Trung Quốc hiện nay là 3,56 và nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số trước cuối tháng 6. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của hãng Reuter ngày 2/3, ông cho hay mục tiêu này sẽ đạt được vào tháng 7 do một bộ phận người dân không muốn tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo chuyên gia trên, 40% dân số được tiêm phòng vào cuối tháng 7 bao gồm cả những người đã tiêm một và hai mũi. Ba loại vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất yêu cầu phải tiêm hai mũi, trong khi một loại vaccine khác yêu cầu một liều duy nhất. 

Tính đến ngày 28/2 vừa qua, hơn 50,5 triệu người ở Trung Quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

*  Ngày 2/3, Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Bambang PS Brodjonegoro cho biết vaccine  ngừa COVID-19 Merah Putih (Đỏ và Trắng - màu quốc kỳ Indonesia) sẽ có giá thành thấp hơn vaccine nhập khẩu vì chương trình nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vaccine này được chính phủ tài trợ.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta,  Bộ trưởng Bambang nêu rõ vaccine Merah Putih - do Viện Sinh học Phân tử Eijkman của Indonesia phát triển, có thể được bán với giá khoảng 5 USD. Vaccine này chuẩn bị được gửi đến công ty PT Bio Farma để thử nghiệm lâm sàng trong tháng 3/2021.

Cùng ngày, máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia vận chuyển 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 ở dạng nguyên liệu thô từ Trung Quốc đã đến Indonesia. 

Theo người phát ngôn của công ty PT Bio Farma (Persero), nguồn vaccine này do nhà sản xuất Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Trong tổng số 10 triệu liều vaccine bàn giao chỉ có 3 triệu liều là thành phẩm để tiêm chủng cho nhân viên y tế.

Số còn lại là nguyên liệu. Sau khi về đến sây bay, vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về Phòng thí nghiệm Bio Farma ở Bandung, Tây Java. 

Trước đó, Indonesia cũng đã nhận được 11 triệu liều vaccine (10 triệu nguyên liệu thô và 1 triệu thành phẩm) từ công ty Sinovac Trung Quốc.

* Chiến lược tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Iraq chính thức khởi động ngày 2/3 sau khi nước này cùng ngày tiếp nhận 50.000 liều vaccine Sinopharm được Trung Quốc viện trợ.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Iraq Seif al-Badr cho biết lô vaccine đầu tiên sẽ được vận chuyển đến 3 bệnh viện đầu ngành ở thủ đô Baghdad và có thể là một số tỉnh khác. 

Trước đó một ngày, Bộ Y tế Iraq đã đưa vào hoạt động một nền tảng trực tuyến, cho phép người dân đăng ký tiêm vaccine. Theo thông báo, người dân được tiêm vaccine miễn phí. Nhân viên y tế, nhân viên an ninh và người cao tuổi là nhóm đối tượng được ưu tiên.

Phan An - Đình Ánh (TTXVN)
Nỗi sợ vaccine nội địa cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Trung Quốc
Nỗi sợ vaccine nội địa cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Trung Quốc

Tháng 12/2020, Trung Quốc thông báo họ có kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50 triệu dân trước ngày 11/2. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nó được xem là không quá sức với một quốc gia được đánh giá đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN