Bolivia tiếp nhận vaccine của Trung Quốc

Tổng thống Bolivia Luis Arce cho biết lô vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) đã đến Bolivia ngày 24/2, sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng đại trà quy mô lớn nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.

Chú thích ảnh
Máy bay chở lô vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm (Trung Quốc) hạ cánh tại sân bay Viru Viru ở Santa Cruz, Bolivia ngày 24/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại sân bay quốc tế Viru Viru, nơi ông cùng giới chức đón một chuyến bay chở vaccine từ Bắc Kinh, Tổng thống Arce khẳng định: "Giờ đây chúng ta đã có vaccine, có giải pháp. Chúng ta sẽ tiêm chủng cho mọi người". Ông cho biết chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu từ ngày 5/3 tới, với ưu tiên là người cao tuổi và người mắc các bệnh lý nền.

* Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 24/2, Séc đã nhận được 5.000 liều vaccine của hãng Moderna do Israel tài trợ, ngay sau khi chính phủ nước này quyết định mở văn phòng ngoại giao mới tại Jerusalem.

Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek xác nhận rằng nước này đã nhận được tài trợ của Israel. Ông cùng đồng thời lưu ý rằng việc thành lập văn phòng đại diện ngoại giao ở Jerusalem không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và chính trị của Séc với Chính quyền Palestine. Đại sứ quán Séc sẽ vẫn ở Tel Aviv.

Cùng với Séc, Honduras và Guatemala cũng nhận được Israel hỗ trợ vaccine. Trong khi Honduras có ý định sớm chuyển đại sứ quán của họ từ Tel Aviv đến Jerusalem, Guatemala đã thực hiện việc này vào năm 2020.

* Trong một diễn biến khác cùng ngày, Quốc hội Israel đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ chia sẻ thông tin cá nhân của những người chưa tiêm phòng COVID-19, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư của những người lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Luật trên nhận được 30 phiếu ủng hộ, 13 nghị sĩ bỏ phiếu chống. Luật cho phép các chính quyền địa phương, Tổng thư ký Bộ Giáo dục và một số người trong Bộ An sinh xã hội được nhận thông tin liên quan đến tên, địa chỉ và điện thoại của những công dân chưa đi tiêm phòng. Biện pháp trên sẽ có hiệu lực trong 3 tháng, hoặc cho tới khi tuyên bố hết đại dịch. Tuyên bố của quốc hội nêu rõ mục đích của biện pháp này là "để các cơ quan trên có thể khuyến khích người dân tiêm vaccine bằng cách liên lạc trực tiếp với họ".

Tuy nhiên, quy định trên làm dấy lên lo ngại về quyền lựa chọn tiêm vaccine. Tại quốc hội, lãnh đạo Công đảng Merav Michaeli cáo buộc Thủ tướng Netanyahu "thách thức quyền riêng tư của công dân về thông tin y tế". Về điểm này, luật trên quy định rõ "thông tin cá nhân sẽ được xóa  trong vòng 60 ngày sau khi sử dụng".

Israel, đất nước có 9 triệu dân, đã tiêm hai liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho 30% dân số. Tại một cuộc họp báo sau khi quốc hội phê chuẩn đạo luật trên, Thủ tướng Netanyahu kêu gọi người dân đi tiêm phòng nhằm "trở lại cuộc sống bình thường". Ông cũng bác bỏ những thông tin sai lệch về vaccine và cho biết Israel đặt mục tiêu tiêm phòng cho 6,2 triệu người trước tháng 4 để nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Bích Liên - Công Thuận (TTXVN)
Đảm bảo công bằng trong tiêm vaccine COVID-19
Đảm bảo công bằng trong tiêm vaccine COVID-19

Chính phủ ta đảm bảo 100 triệu dân sẽ được tiêm vaccine. Nhưng lúc này, công bằng trong tiêm vaccine COVID-19 chính là phải tôn trọng và tuân thủ những thứ tự ưu tiên đã được cơ quan chức năng xây dựng dựa trên những đánh giá khoa học và thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN