Nhật Bản sẽ tiêm vaccine cho người cao tuổi từ giữa tháng 4

Ngày 24/2, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi từ ngày 12/4 tới, trong bối cảnh nước này mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia cho những đối tượng ngoài nhân viên y tế. Theo ông Suga, chính quyền các địa phương sẽ bắt đầu nhận vaccine từ ngày 5/4.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ibaraki, miền đông Nhật Bản, ngày 18/2/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trước đó, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, quan chức được Chính phủ Nhật Bản giao phụ trách chương trình tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, cho biết chính phủ dự kiến tiêm chủng cho 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên sớm nhất vào ngày 1/4. Cụ thể, việc tiêm chủng cho người cao tuổi trên cả nước trước tiên được thực hiện ở quy mô nhỏ, sau đó sẽ mở rộng từ ngày 26/4.

Theo ông Kono, Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn xuất khẩu lô vaccine thứ ba của Pfizer-BioNTech và dự kiến số vaccine này sẽ đến Nhật Bản vào đầu tháng 3. Lô vaccine này gồm khoảng 520.000 liều.

* Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới, cũng quyết định mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia. 

Theo kế hoạch, Ấn Độ từ ngày 1/3 sẽ bắt đầu tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi có bệnh nền. Việc tiêm chủng sẽ là miễn phí tại 10.000 bệnh viện công và phải trả phí tại 20.000 cơ sở y tế tư nhân.

Liên quan đến vaccine, một nguồn thạo tin cho biết Ấn Độ đang thúc đẩy thủ tục cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Sputnik V của Nga.

* Còn tại Indonesia, ngày 24/2, Tổng thống Joko Widodo bày tỏ hy vọng các trường học trên toàn quốc có thể mở cửa và hoạt động bình thường trở lại từ tháng 7 tới, sau khi 5 triệu giáo viên và nhân viên giáo dục được tiêm chủng.

Phát biểu trong chuyến thị sát một điểm tiêm vaccine cho nhân viên giáo dục, ông Widodo nhấn mạnh mục tiêu là trong tháng 6 tới, 5 triệu giáo viên và nhân viên giáo dục nước này sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tạo điều kiện để năm học mới bắt đầu và mọi thứ có thể bình thường trở lại vào tháng 7.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trường học trên khắp Indonesia buộc phải đóng cửa, học sinh sinh viên bắt buộc phải học tại nhà từ tháng 3 năm ngoái. Nhiều sinh viên ở các vùng xa xôi hẻo lánh đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận với phương thức giáo dục từ xa do thiếu máy tính hoặc điện thoại thông minh. 

Thống kê của Bộ Giáo dục Indonesia cho biết tính đến tháng 4/2020, 40.779 học sinh tiểu học và phổ thông trung học tại nước này không thể tiếp cận với internet, trong khi 7.552 học sinh, tương đương 3% học sinh cả nước, không có điện. Còn theo cơ quan thống kê Indonesia, chỉ 54% học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi được tiếp cận với internet và chỉ 24% có máy tính. 

Thực trạng này buộc chính quyền Jakarta tìm cách giải quyết lỗ hổng kỹ thuật số, trong đó có kế hoạch cho phép trường học mở cửa trở lại vào tháng 1 vừa qua tại những khu vực không phải là "vùng đỏ" về nguy cơ dịch COVID-19. Tuy nhiên, kế hoạch này buộc phải hủy do số ca mắc mới không có dấu hiệu giảm.

Trong khuôn khổ kế hoạch tiêm chủng quốc gia, Indonesia đặt ra mục tiêu tiêm vaccine cho khoảng 182 triệu người trong tổng số 270 triệu dân của nước này. Indonesia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1 với đối tượng được ưu tiên đầu tiên là các nhân viên y tế.

Thanh Hương (TTXVN)
Các nước Trung Âu vật lộn trong làn sóng COVID-19 thứ 3
Các nước Trung Âu vật lộn trong làn sóng COVID-19 thứ 3

Giới chức Cộng hòa Séc mới đây cảnh báo, hệ thống y tế tại nước này đứng trước nguy cơ “hoàn toàn quá tải” và cần đến sự trợ giúp từ nước ngoài, trong bối cảnh khu vực Trung Âu phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN