Trung Quốc công bố Sách Trắng ngoại thương

Ngày 7/12, Chính phủ Trung Quốc đã công bố Sách Trắng ngoại thương đầu tiên của nước này, trong đó nhấn mạnh những thành quả mà Trung Quốc đã đạt được trong việc thúc đẩy ngoại thương và đóng góp vào phát triển kinh tế thế giới.

Theo Sách Trắng dài 35 trang do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện (Chính phủ) công bố nhân dịp 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới trong hai năm liên tiếp 2009 và 2010. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu của nước này trong năm 2010 đạt 2.970 tỷ USD, tăng 144 lần so với năm 1978 - thời điểm Bắc Kinh bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách và thực hiện chính sách mở cửa kinh tế. Tính trung bình, mức tăng trưởng kim ngạch xuất- nhập khẩu của Trung Quốc tăng 16,8%/năm. Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính giá trị nhập khẩu của nước này sẽ tăng lên tới 8.000 tỷ USD trong 5 năm tới.


Trong Sách Trắng ngoại thương, Trung Quốc nhấn mạnh, nước này đã đạt được những thành quả trong việc thúc đẩy ngoại thương và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế thế giới. Nguồn Internet


Sách Trắng nhấn mạnh ngoại thương của Trung Quốc không chỉ "phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa đất nước", mà còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế thế giới. Sau 10 trở thành thành viên WTO, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng lên hàng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với mức tăng trung bình 11%/năm. Tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong tổng giá trị thương mại toàn cầu, vì thế, cũng tăng lên 10,4%, so với mức 4,3% tại thời điểm trước khi gia nhập WTO. Nếu chỉ tính riêng hoạt động nhập khẩu, mỗi năm Trung Quốc nhập từ thế giới tổng lượng hàng hóa trị giá 750 triệu USD, tạo ra 14 triệu việc làm cho các công ty đối tác làm ăn với Trung Quốc.

Bên cạnh đó Sách Trắng cũng nêu rõ từ tháng 7/2010, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế suất bằng 0 cho trên 4.700 mặt hàng nhập khẩu từ 36 quốc gia kém phát triển có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Các mặt hàng này chiếm 60% tổng lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ các nước này.

Liên quan đến vấn đề thặng dư thương mại, Sách Trắng nhấn mạnh đây là kết quả của quá trình toàn cầu hóa và công lao động quốc tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng dịch vụ toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc đang được hưởng lợi từ hiện tượng này nhưng về dài hạn có thể sẽ phải chịu cảnh "thâm hụt thương mại dịch vụ".

Cũng theo Sách Trắng, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế mạnh cả về thương mại và cạnh tranh, đồng thời sẽ mở rộng xuất khẩu sang thị trường các nước đang phát triển. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh không chỉ cần huy động toàn bộ nguồn lực của nền kinh tế, mà còn phải nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như sức đề kháng của các doanh nghiệp và ngành nghề trong nước.

Tuy nhiên, Sách Trắng cũng nói rõ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với "những thách thức nghiêm trọng" do nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu chưa thể phục hồi, trong khi chi phí sản xuất trong nước có xu hướng ngày càng gia tăng.



TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN